Kinh ngiệm cho thấy, khi khó khăn, việc thu hút đầu tư nên hướng đến các "ông lớn" vì họ nguồn lực, chiến lược dài hạn nên ít bị thay ảnh hưởng.
Chuyến khảo sát lạ?
Mới đây, một chuyến khảo sát đầu tư của nhiều tập đoàn Mỹ đến Việt Nam đã gây không ít cái nhìn lạ lẫm và nghi ngờ. Bởi hầu hết bị ám ảnh từ thực tế khó khăn của kinh tế Mỹ và sự bất ổn của kinh tế Việt Nam đang đối mặt.
Tuy nhiên, một sự thật khác cho thấy, trong số 21 tập đoàn hàng đầu Mỹ vừa đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, có nhiều tên tuổi lớn như Chevron, Coca-Cola, Caterpillar, General Electric (GE). Nhiều tín hiệu cho thấy, họ đang có nhu cầu đầu tư thực và đây sẽ là làn sóng đầu tư mới khi mà nhiều tên tuổi lớn đang và sẽ đổ vốn vào Việt Nam để mở rộng kinh doanh.
Trong buổi gặp với Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông Stuart Dean - Giám đốc điều hành GE tại khu vực ASEAN ch biết, GE đang có tham vọng mở rộng hoạt động tại Việt Nam sang các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế. Theo ông Stuart Dean, tới đây, GE sẽ làm việc với phía khi triển khai kế hoạch này.
Trước đó, vào tháng 3-2012, để mở rộng nhà máy sản xuất tuốc pin điện gió ở Hải Phòng, GE đã tuyên bố tăng vốn đầu tư lên gấp đôi so với mức đầu tư hiện tại (khoảng 61 triệu USD) trong hai năm 2012 - 2013. Hiện, nhà máy của Tập đoàn GE tại Hải Phòng đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 600 lao động. Tuy nhiên, nếu kế hoạch mở rộng đầu tư đi vào triển khai, nhà máy này sẽ tăng nhu cầu lên khoảng 1.000 công nhân.
Ông Stuart Dean cho rằng, các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam đang rộng mở là lý do chính khiến GE đưa ra các quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bằng chứng là, ngày 10/7 vừa qua, trước sự chứng kiến của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, GE đã ký với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia hợp đồng cung cấp thiết bị cho đường dây 500KV Pleiku (Gia Lai)- Phú Lâm (TPHCM) dài 500 km với số tiền 16,5 triệu USD.
|
Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên nhà máy của Tập đoàn Intel (Mỹ) tại Khu công nghệ cao TPHCM. |
Thực tế đầu tư thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư Mỹ đang tiếp tục theo đuổi các kế hoạch đầu tư và kinh doanh dài hạn tại Việt Nam.
Tập đoàn Intel đã thu hái được những kết quả hết sức khả quan từ nhà máy sản xuất chip ở TP.Hồ Chí Minh. Tính riêng năm 2011, nhà máy này mang lại 462 triệu USD về kim ngạch xuất khẩu cho Intel.
Ngoài Intel, Tập đoàn Chevron cũng đang theo đuổi dự án hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để khai thác khí ở Lô B. Tập đoàn này đang kỳ vọng sẽ sớm kết thúc đàm phán giá gas với PVN. Để dự án sớm đi vào hoạt động, lãnh đạo Chevron mong muốn đưa thêm các công nghệ hiện đại vào Việt Nam.
Jabil - một doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cũng vừa mới đầu tư thêm 70 triệu USD để mở rộng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam của doanh nghiệp này lên 100 triệu USD.
Ông lớn có làm thật
Nhân chuyến thăm và làm việc của Ngoại trưởng Mỹ - bà Hillary Clinton, một loạt tên tuổi như Coca-Cola, Unilever, Kimberly-Clark, Pepsico, P&G, Nike...đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư.
Thực ra, những tập đoàn này đều đã và đang có mặt tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia dự báo, với xu hướng và triển vọng hết sức khả quan này, tới đây sẽ có làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam.
|
Công nhân Việt Nam làm việc tại Nhà máy Jabil ở Khu công nghệ cao TPHCM. |
"Việc 21 tập đoàn hàng đầu, là thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư là một minh chứng cho làn sóng đầu tư đó", một lãnh đạo Bộ KH-ĐT Việt Nam nói.
Theo ông Alexander Feldman - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean, các doanh nghiệp Mỹ luôn coi Việt Nam là đối tác và thị trường tiềm năng và muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực.
Vị đại diện Tập đoàn FedEx cũng cho rằng, thị trường Việt Nam đang dịch chuyển tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu. FedEx sẽ góp phần đẩy nhanh hơn sự dịch chuyển đó cũng như sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài FedEx, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng đang đặt kỳ vọng vào sự thành công của các vòng đàm phán TPP - vốn được coi là chất xúc tác lớn để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các bên.
Bộ trưởng KH-ĐT Việt Nam - ông Bùi Quang Vinh khẳng định rằng, Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám, công nghệ cao.
"Đây chính là những lĩnh vực thế mạnh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ nên cơ hội hợp tác giữa hai bên rất lớn" - Bộ trưởng Vinh nói.