Thu hồi dự án FDI: Nhìn từ quyết định chấm dứt Dự án thép Guang Lian sau 10 năm trầy trật

Cuối cùng, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã quyết định chấm dứt Dự án Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD, vì vi phạm các quy định của Luật Đầu tư và Luật Đất đai.

 
Một cái kết đáng lẽ đã phải xảy ra từ lâu đối với một dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, nhưng chậm triển khai và thực tế đã bắt đầu dừng xây dựng từ năm 2010, gây lãng phí 337 ha đất và các nguồn lực xã hội khác.
 
Bản thân Quảng Ngãi cũng đã muốn thu hồi dự án này từ lâu, song nhiều lần chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã khẳng định, đó là câu chuyện “không dễ dàng”.
 
Vấn đề nằm ở nhiều phía. Một mặt, cũng muốn tạo điều kiện cho nhà đầu tư, bởi thực tế, nếu không có ý định đầu tư thực sự, Tập đoàn E-United đã không dốc khoảng 73 triệu USD giải ngân trong dự án này. Chỉ là do đúng vào giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng, thị trường thép bão hòa, khiến các kế hoạch đầu tư không còn được như tính toán ban đầu về hiệu quả đầu tư, kinh doanh. “Họ vẫn cam kết sẽ triển khai Dự án, tỉnh cũng muốn tạo điều kiện cho họ”, một lãnh đạo của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết.
 
Và một điều quan trọng, phải có đủ căn cứ pháp luật để thu hồi khiến chủ đầu tư không thể kiện ngược chính quyền địa phương. Chưa kể, trong trường hợp nhà đầu tư đã triển khai dự án và có tài sản trên đất, thì xử lý được khối tài sản đó là cả một vấn đề. Bởi về nguyên tắc, đó là tài sản của nhà đầu tư và tài sản đó phải được bảo vệ.
 
Để thu hồi dự án, Quảng Ngãi thậm chí đã phải tổ chức một cuộc thanh tra toàn diện dự án này. Kết quả được công bố vào cuối tháng 5 vừa qua, đó là “đã đủ điều kiện để Nhà nước thực hiện thu hồi hết diện tích đất đã cho thuê và không phải bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng”. Và rằng, cũng đã “đủ điều kiện để Nhà nước đơn phương chấm dứt hoạt động Dự án”.
 
Dù kết luận như vậy, song Quảng Ngãi vẫn phải qua quá trình hỏi ý kiến các cơ quan Trung ương mới đưa ra được quyết định cuối cùng. Và cho tới thời điểm này, cũng mới chỉ chấm dứt Dự án, chứ chưa thực hiện thu hồi. Hiện tại, các cơ quan quản lý địa phương vẫn đang tích cực thực hiện các giải pháp để thanh lý Dự án. Tuần trước, một cuộc họp về nội dung này đã được các cơ quan chức năng Quảng Ngãi tổ chức. Và dù tuyên bố rằng, đủ điều kiện để “không phải bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất”, song quan điểm của Quảng Ngãi vẫn là thực hiện thanh lý tài sản theo quy định, ưu tiên giải pháp thương thảo nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư. Nghĩa là trong bất cứ trường hợp nào, tài sản của nhà đầu tư vẫn sẽ được bảo vệ ở mức cao nhất.
 
Trên thực tế, chuyện thu hồi các dự án FDI chưa triển khai sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Ví dụ, dự án án Phoenix của Công ty TNHH Dewan International (Hồng Kông), vốn đầu tư 1,25 tỷ USD, tại Khánh Hòa. Được Khánh Hòa gật đầu thông qua từ tháng 8/2014, nhưng vì không góp vốn điều lệ công ty theo tiến độ góp vốn quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, hai lần không thực hiện cam kết góp vốn của công ty vào các ngày 7/1 và 11/5/2015, Dự án đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 7/2015. Khánh Hòa rất dễ có căn cứ để thu hồi Dự án khi mà chủ đầu tư không thực hiện việc góp vốn. Nhưng không phải địa phương nào cũng may mắn và “mạnh tay” như vậy.
 
Ví như ở Bình Định, cũng có một thời đình đám với dự án 1 tỷ USD của Bus Center. Dù khi được cấp chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư cam kết sẽ đưa dự án vào triển khai ngay nhưng thực tế thì không phải như vậy. Thậm chí, yêu cầu về việc chuyển tiền về Việt Nam để đầu tư dự án cũng bị chủ đầu tư “khất lần”. Ông Man Ngọc Lý, vào thời điểm vẫn đang là Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, đã chia sẻ rất thật với phóng viên Báo Đầu tư rằng, ông nghi ngờ chuyện nhà đầu tư dự án này thực hiện việc “rửa tiền”, tuy nhiên không có đủ căn cứ. Và vì nhà đầu tư vẫn luôn viện dẫn nhiều lý do chính đáng để xin gia hạn thực hiện nên cơ quan quản lý địa phương không thể thu hồi dự án. Chỉ đến khi chủ đầu tư thất hứa hết lần này tới lần khác, Bình Định mới quyết định thu hồi dự án vào đầu năm nay.
 
“Bình Định luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo cam kết”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nói như vậy.
 
Cũng trên tinh thần ấy, ngay từ đầu năm ngoái, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội làm thủ tục để thu hồi Dự án Khu du lịch Vĩnh Hội, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, nhưng chậm triển khai. Song cũng chính ông Man Ngọc Lý khi trao đổi với phóng viên đã cho rằng “chưa thể làm thế được”.
 
Lý do, theo ông Lý, đó là vì chủ đầu tư Dự án Vĩnh Hội cũng đã làm được một số hạng mục Dự án, như tuyến đường tránh, giải phóng một phần mặt bằng cho Dự án, do vậy, muốn thu hồi thì phải có đầy đủ căn cứ pháp lý, cũng như tính toán kỹ lại phần Công ty Việt Mỹ đã đầu tư để đền bù hay thu hồi, chứ không thể cứ nói thu hồi là thu hồi ngay được.
 
Cuối cùng Bình Định cũng đã làm được điều đó vào đầu năm nay, và đang xử lý các vấn đề hậu thu hồi liên quan tới các tài sản mà chủ đầu tư đã đầu tư trên đất.
 
Đây không phải là câu chuyện của riêng các dự án vừa kể trên, mà ở hầu hết các dự án lình xình trong triển khai đã đến lúc cần thu hồi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu có đủ cương quyết, cơ quan quản lý địa phương hoàn toàn có thể thu hồi dự án. Bởi hầu hết các dự án này đều thuộc diện 5 - 7 năm chẳng triển khai.
 
Căn cứ pháp lý hay xử lý tài sản trên đất dù khó khăn, nhưng không phải là không giải quyết được. Câu chuyện mà dư luận nhắc tới, đó là các địa phương thiếu kiên quyết trong thu hồi dự án FDI chậm triển khai có thể còn vì những lý do “tế nhị” khác. Chẳng hạn, đã giao hàng trăm héc-ta đất cho nhà đầu tư, nhưng rồi bỏ hoang, dân bức xúc, giờ lại thu hồi dự án thì “khó ăn, khó nói” với người dân.
 
Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu hút đầu tư khó khăn, thì thu hồi dự án rồi, biết tìm kiếm nhà đầu tư đâu để thay thế? Đó là câu chuyện rất thật, mà các cán bộ quản lý đầu tư địa phương đã từng chia sẻ.