Thủ tục hành chính: Rào cản đối với doanh nghiệp
Thủ tục hành chính tiêu tốn 38,7% thời gian của DN
Trong những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Rand và Tarp, quy định hành chính của Việt Nam vẫn còn rườm rà và phức tạp.
Năm 2007, trung bình doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra 29,1% thời gian để làm các TTHC, những DN lớn hoặc ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, thời gian phải bỏ ra để làm các TTHC còn nhiều hơn, chiếm 38,7% thời gian.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2008, Việt Nam thuộc nhóm tiêu tốn nhiều thời gian nhất để đáp ứng các yêu cầu về thuế do những thủ tục thuế phức tạp, nhiêu khê. Bình quân một DN phải nộp 32 lần và mất 1.050 giờ làm việc trong một năm để hoàn tất các thủ tục về thuế.
Số tài liệu thủ tục để xuất khẩu/nhập khẩu là 6/9, số chữ ký cho xuất khẩu/nhập khẩu là 12/15, số ngày cho xuất khẩu/nhập khẩu là 35/36. Khảo sát của Hiệp hội DN trẻ Việt Nam năm 2009 cho thấy, 39% DN cho rằng thủ tục thuế phức tạp trong khi chỉ có 16% cho là đơn giản; hơn 40% đánh giá chính sách thuế thiếu minh bạch và thiếu ổn định.
Cần bước đột phá
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, DN vừa và nhỏ Việt Nam phát triển chậm một phần là do môi trường kinh doanh pháp lý không chắc chắn, không minh bạch, không tiên liệu trước được, việc thực thi không công bằng và tùy ý dẫn đến chi phí cao và độ rủi ro lớn. Do vậy, thời gian tới, cải cách TTHC vẫn phải là ưu tiên số 1 và phải tạo ra bước đột phá bằng cách tiếp tục đẩy nhanh, mạnh và rộng khắp hơn nữa việc thực hiện có hiệu quả Đề án 30; thiết lập được khung khuôn khổ thể chế (quy trình, tiêu chí, cơ cấu tổ chức, năng lực của các cơ quan có liên quan…) đảm bảo chất lượng cao của pháp luật và chính sách; kiểm soát được chất lượng của văn bản mới ban hành, rà soát lại những bất hợp lý của văn bản cũ để có sửa đổi thích hợp.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong tháng 10 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC công khai trên trang thông tin điện tử.
Cơ sở dữ liệu này sẽ liên tục được cập nhật để phục vụ DN và người dân. Trước ngày 30/10/2009, Tổ công tác sẽ tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án đơn giản hóa TTHC liên quan đến chính sách kích cầu của Chính phủ đang gây bức xúc cho người dân và DN.
Còn theo ông Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, thực hiện Đề án 30, chúng ta đang tích cực rà soát lại các quy định và TTHC hiện hành để cắt giảm. Tuy nhiên, các quy trình và TTHC thường gắn với những đặc quyền đặc lợi khiến cho sự rà soát đã lâu mà sự loại bỏ những quy trình đó còn lâu hơn. Trong khi chờ đợi rà soát, để giảm bớt phiền hà cho DN, trước mắt có thể xác lập nguyên tắc ứng xử trong trường hợp có nhiều cách giải quyết. Nguyên tắc rất đơn giản nhưng hữu hiệu là để cho DN tự chọn cách giải quyết nào mà họ ưng ý nhất. Còn về lâu dài, muốn đơn giản hóa TTHC có hiệu quả, phải hạn chế được sự lạm quyền của các cơ quan công quyền.
Để làm được điều này, trước hết, bộ máy Nhà nước phải có sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau một cách hữu hiệu và không hình thức. Tiếp đó, phải làm sao để xã hội dân sự, những tổ chức và những hoạt động không thuộc Nhà nước có thể giám sát được các hoạt động của bộ máy công quyền. Cuối cùng phải có bộ máy phân xử hoạt động hữu hiệu để đảm bảo những quy định trên được thực thi và cho phán xét đúng khi có tranh chấp.