Thủ tục rắc rối làm chậm tiến độ kích cầu…

Hôm qua (23.4), tại buổi toạ đàm “Triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế” do hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với ngân hàng Đầu tư phát triển (VDB) tổ chức tại Hà Nội, mặc dù cho rằng, những sửa đổi trong các chính sách gần đây của Chính phủ như mở rộng đối tượng, thời gian được hỗ trợ lãi suất cho vay, nới rộng điều kiện bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn… nhưng nhiều đại biểu vẫn cho rằng, còn có những thủ tục, quy định bất hợp lý làm chậm, giảm hiệu quả các gói kích cầu.

 

Vì thương hiệu, ngại không dám vay lãi suất 0%

 

Theo ông Lại Quý Đạo, phó tổng giám đốc của VDB, những sửa đổi, bổ sung chính sách của Chính phủ mới đây đã khắc phục được phần lớn các vướng mắc về việc cho doanh nghiệp vay vốn.
 

Như quyết định số 60/2009/QĐ-TTg (ban hành ngày 17.4.2009) sửa đổi đối tượng được VDB bảo lãnh cho vay vốn mở rộng cho các đối tượng thuộc tất cả các thành phần kinh tế, kể cả hợp tác xã có vốn điều lệ tối đa 20 tỉ đồng hoặc sử dụng dưới 1.000 lao động (trước đây là 500 lao động).
 

Hay quy định mới về xoá bỏ hoàn toàn điều kiện nợ đọng thuế, nợ quá hạn tại các tổ chức kinh tế nếu doanh nghiệp vay vốn có dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, trả được nợ quá hạn…
 

Riêng VDB, tính đến hết tháng 3.2009 đã giải ngân được 4.770 tỉ đồng vốn tín dụng đầu tư trong nước, trên 8.100 tỉ đồng tín dụng xuất khẩu… Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, vừa qua, trong việc thực hiện gói kích cầu đợt 1, nhiều hoạt động triển khai là rất chậm, nhiều thủ tục mắc mứu không kịp thời xử lý mà nếu giải quyết nhanh sẽ khiến kinh tế đỡ khó khăn hơn, doanh nghiệp đỡ mất thời cơ.
 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, trong việc chuẩn bị thực hiện gói kích cầu đợt 2, nhiều vấn đề vướng mắc cơ bản đã được giải quyết. “Tôi tin là gói kích cầu 2 sẽ vào nhanh và có tác dụng lớn hơn”, ông Kiêm nói.

Tuy nhiên, cũng có những chính sách khá ưu đãi, thủ tục không hề phức tạp như ông Nguyễn Quang Dũng, tổng giám đốc VDB nói, là chính sách cho doanh nghiệp vay để hỗ trợ lao động mất việc làm theo quyết định số 30/QĐ-TTg của Thủ tướng thì lại có rất ít doanh nghiệp gửi hồ sơ.
 

Qua tổng hợp của VDB, mới có 37 doanh nghiệp đúng đối tượng vay vốn theo quy định gửi hồ sơ trong đó có bốn doanh nghiệp có xác nhận của các sở địa phương. Và cũng chỉ mới có một doanh nghiệp được vay từ nguồn có lãi suất rất ưu đãi này (0%).

“Có câu chuyện là doanh nghiệp có thương hiệu thì họ rất ngại ngần đi vay khoản này và các sở khi xác nhận cũng có lúng túng vì bảo xác định số công nhân thất nghiệp năm 2009 thì rất là khó, đó chỉ là con số ước, không chính xác”, ông Dũng nói.
 

Ông Tăng Văn Huấn, phó tổng thư ký hiệp hội Dệt may cho rằng, chính sách này nên áp dụng cho cả các doanh nghiệp khó khăn, có nhiều lao động mất việc làm, từ cuối năm 2008.

Tuy nhiên, phó cục trưởng cục Việc làm của bộ Lao động – thương binh và xã hội, ông Lê Quang Trung lại tỏ ý hờ hững: “Như ở TP.HCM, 80% số lao động mất việc làm thì đã có việc làm mới, số còn lại trở về nông thôn. Nay đặt vấn đề cho vay sẽ rất khó, mất nhiều thời gian. Hiệp hội dệt may thấy có cách nào thuận tiện, thật sự cấp thiết thì trao đổi lại?”.

Vẫn có những cái vướng không thể giải quyết

Ông Phan Văn Mẫn, đại diện công ty Nhật Trang, một doanh nghiệp có thị trường khá ổn định tại Cu Ba về hàng may mặc, nông sản, cà phê… cho biết, thực tế, công ty gặp rất nhiều vướng mắc trong xuất khẩu do chính sách trong nước hiện nay về quy định bảo lãnh xuất khẩu, thời gian vay...
 

Ví dụ như công ty này bị bắt buộc phải có 10% vốn đối ứng để được bảo lãnh vay vốn xuất khẩu nhưng doanh nghiệp chỉ có 1 – 2 tỉ đồng trong khi công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu trị giá 30 triệu USD.
 

Ông Mẫn đề nghị xin được miễn hay giảm tỷ lệ vốn đối ứng. Đại diện của hiệp hội Các nhà doanh nhân trẻ Việt Nam nêu khó khăn về việc thực hiện thông tư số 05/2009/TT-NHNN của ngân hàng Nhà nước do thông tư này đã thu hẹp đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Quang Dũng đã chỉ đạo ngay cấp dưới giải quyết các vướng mắc về tỷ lệ vốn đối ứng cho công ty Nhật Trang. Ông cũng cho rằng, phản ánh của hiệp hội Các nhà doanh nhân trẻ Việt Nam là đúng vì khi ban hành, ngân hàng Nhà nước đã quyết định quá vội vã.
 

“4 giờ chiều họ gửi văn bản lấy ý kiến chúng tôi mà 7 giờ chiều đã ký thì thực chất là chúng tôi không được tham gia ý kiến. VDB đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng bổ sung thêm ba nhóm đối tượng được hỗ trợ vay vốn”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, một số thủ tục, quy định hiện nay là vướng mà “chỉ có thể nêu mà không giải quyết được”. Đó là theo luật, các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay từ VDB, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước… thì đều phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục vay vốn, quyết toán ngân sách từ khâu lập dự án đến quyết toán.
 

Có rất nhiều quy định bắt buộc về đấu thầu, tài sản thế chấp… mà nếu xuê xoa thì các ngân hàng sẽ vi phạm pháp luật. Nếu thực hiện đầy đủ các quy định đó thì rất khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.
 

Bà Dương Thu Hương, tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, các chính sách mới ban hành của Chính phủ, thực tế vẫn rất chặt chẽ và không có quy định nào thể hiện yêu cầu cho vay dưới chuẩn.
 

Cho nên, cùng với những vướng mắc nhất định trong một số văn bản, thông tư cấp bộ, ngành, thực tế vẫn có những khúc mắc lớn về cơ chế cho vay mà chỉ có thể giải quyết bằng các đạo luật do Quốc hội xem xét, ban hành.