Thủ tướng nêu khát vọng về một công xưởng sản xuất tôm của thế giới

 

 
 
 
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ phấn khởi khi Người đứng đầu Chính phủ chủ trì một hội nghị chuyên đề về con tôm Việt Nam; đồng thời nêu rõ quyết tâm đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025 mà Thủ tướng đưa ra, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
 
Đại diện các doanh nghiệp đã trình bày nhiều cách tiếp cận mới để có thể về đích sớm như hướng vào nuôi tôm sinh thái, tôm rừng thông qua việc thành lập doanh nghiệp xã hội, kết hợp nuôi tôm và trồng rừng ven biển của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chú trọng nuôi tôm trên ao bạt với công nghệ cao của Công ty Thông Thuận hay xây dựng thương hiệu tôm để đưa Việt Nam thành công xưởng tôm của thế giới của Tập đoàn Việt Úc…
 
Ý tưởng, quyết tâm đã có nhưng để thực hiện được mục tiêu này không phải là dễ dàng khi nội tại  ngành tôm đang còn nhiều bất cập, khó khăn, mà theo ý kiến các địa phương, đó là nuôi tôm còn manh mún, còn tình trạng đào ao nuôi tôm ngoài quy hoạch nên khó đầu tư hạ tầng như thủy lợi, điện, xử lý nước thải phục vụ nuôi tôm. Chi phí giá thành luôn nằm ở mức cao nhất thế giới. Đây cũng là nỗi trăn trở của đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) với mong muốn làm sao giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh để có thể bán được lượng sản phẩm trị giá 10 tỷ USD.
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành tôm đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng và mặn xâm nhập. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại thể chế liên quan đến nông nghiệp, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ ngành tôm. Cùng với đó là rà soát quy hoạch nuôi tôm gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và gắn với kịch bản ứng phó với nước biển dâng, gắn với các cơ sở chế biến, tránh tình trạng phát triển nuôi tôm tự phát. Phải xác định doanh nghiệp làm trụ cột và động lực để phát triển ngành tôm trở thành ngành có sức cạnh tranh cao.


Xây dựng thương hiệu tôm tầm cỡ thế giới
Tại sao lại là con tôm, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, ngành tôm đã lớn lên cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước, được khẳng định cả về mặt quản lý và khoa học có thể phát triển thành ngành mũi nhọn của đất nước.
 
“Điều quan trọng nhất mà chúng ta đều khẳng định tại Hội nghị này, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm”, Thủ tướng nói. “Vì vậy, mục tiêu chúng ta đưa ra là chậm nhất đến năm 2025, chúng ta phải đạt kim ngạch xuất khẩu ngành tôm là 10 tỷ USD”. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước.
 
Về một tầm nhìn đối với ngành tôm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến, liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm. Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.
 
Một trong những chìa khóa cho sự phát triển ngành tôm, theo Thủ tướng, là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ sinh học, tự động hóa, điện toán đám mây…
 
Định hướng cho ngành tôm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng nông dân tự phát, manh mún. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Quy hoạch tôm để phát triển chứ không phải để kìm hãm phát triển mà muốn phát triển được thì nút thắt là thể chế và khoa học công nghệ.
 
Nuôi tôm chính là nuôi nước, tức là duy trì nguồn nước có độ mặn phù hợp, kiểm soát hàm lượng chất hữu cơ, xử lý môi trường tốt để chống dịch bệnh, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh. Để làm được việc này, các tỉnh, thành phố trong cả nước cần mạnh dạn áp dụng, đưa tiến bộ khoa học-công nghệ vào xử lý nguồn nước cấp, nước nuôi và nước thải. Yêu cầu là phải kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thì mới chủ động được trong điều kiện biến đổi khí hậu của nước ta. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không thể để tình trạng tôm chết do không có điện.
 
Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm vốn tín dụng cho nuôi tôm, chế biến tôm với lãi suất phù hợp.
 
Vừa qua, mới 30% người nuôi tôm thành công trong khi tỉ lệ của một số nước là 70%, cho nên, có địa phương nuôi được vụ này nhưng vụ tiếp theo lại thất bại. Do đó, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương phải ngồi lại với các ngành, các cấp, các nhà khoa học tìm ra giải pháp cho thực trạng này.
 
Thủ tướng bày tỏ, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương hiểu rõ sự lo ngại sự phụ thuộc quá lớn vào con giống và thức ăn của ngành tôm vào các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời đề nghị phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn của ngành tôm. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường con giống và thức ăn cho tôm. Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nhanh chóng tìm được câu trả lời về giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho ngành tôm.
 
Cho rằng có rất nhiều loại tôm như tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm…, Thủ tướng đề nghị các nhà chuyên môn phải chỉ ra được từng địa phương phù hợp với loại tôm nào, tiêu chuẩn, chất lượng ra sao, thị trường tiêu thụ từng loại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện nghiên cứu cần tham vấn chặt chẽ cho người dân về vấn đề này.
 
Muốn phát triển ngành nuôi tôm, bảo đảm sinh kế cho bà con thì phải xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm dựa trên đặc thù, lợi thế tự nhiên của địa phương.
 
Các cơ quan Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường để người dân, doanh nghiệp cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh chạy theo thông tin truyền miệng, không chính thống để mở rộng diện tích nuôi tôm vượt quá nhu cầu và quy hoạch, gây mất giá, ảnh hưởng chung đến lợi ích của cả ngành tôm.


Chính phủ tuyên chiến với hành vi bơm tạp chất vào tôm
 
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của con tôm Việt Nam, đòi hỏi phải cải thiện được năng suất trên cơ sở giảm được chi phí trung gian. Muốn vậy cần phải liên kết phát triển thành một hệ thống, tập trung về mặt địa lý và phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp, các nhà chế biến, cung ứng…
 
Bên cạnh một số mặt hàng truyền thống thì xuất khẩu thủy sản nói chung, đặc biệt là xuất khẩu tôm, cần chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung hay phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến rủi ro khi thị trường đó gặp khó khăn hay biến động.
 
Về các vụ kiện bán phá giá, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, có trách nhiệm và sự sẵn sàng cao nhất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN Việt Nam chân chính. “Khi cần thiết, chúng ta không ngần ngại sử dụng các tham vấn pháp lý tốt nhất, những chuyên gia, luật sư giỏi nhất trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta”, Thủ tướng khẳng định. Ngoài ra, chúng ta phải nghiêm cấm và có chế tài thích đáng đối với hiện tượng bơm các tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính mà một số gian thương đã làm thời gian qua.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc nhở khâu trung gian: Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm. Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu.
 
Nhắc lại câu nói muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, Thủ tướng mong muốn các nhà sản xuất trong ngành phải đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, “đừng vì phát triển mà phá nhau không lành mạnh”.
 
Trong quý I, trình Thủ tướng Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm
 
Tại hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phát triển ngành tôm Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quý I trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành một ngành công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam.
 
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, xây dựng chương trình khoa học công nghệ tập trung cho phát triển ngành tôm Việt Nam. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào phát triển ngành tôm.
 
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục thực hiện việc bảo hiểm đối với sản xuất thủy sản.
 
Bổ sung “tôm giống” vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá hoặc phải được kiểm tra yếu tố hình thành giá (theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá).
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao, đầm nuôi và tôm nuôi.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm.
 
Bộ Công Thương, Bộ Công an phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát lưu thông con giống, vật tư hóa chất, thuốc thú y, ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất... trong ngành sản xuất tôm. Đặc biệt, trước mắt triển khai có kết quả Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đối với 4 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.