Thương mại đi lên “dọn đường” cho tăng trưởng kinh tế
Tháng 5/2009, xuất khẩu Mỹ tăng trưởng trong khi nhập khẩu giảm, thâm hụt thương mại vì thế rơi xuống mức thấp nhất trong 9 năm. Báo cáo này khiến nhiều chuyên gia kinh tế điều chỉnh tăng dự báo về tăng trưởng GDP quý 2/2009.
Một số người còn cho rằng kinh tế đã trở lại đà tăng trưởng trong quý 2/2009. Bộ Thương mại Mỹ công bố thâm hụt thương mại tháng 5/2009 rớt xuống chỉ còn 26 tỷ USD từ mức 28,8 tỷ USD của tháng 4/2009.
Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 5/2009 tăng trưởng 1,6% lên mức 123,3 tỷ USD, giá trị hàng hóa nhập khẩu giảm 0,6% xuống mức 149,3 tỷ USD.
Ông Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics ở Canada, nhận xét thông tin về thương mại như trên là dấu hiệu rất tốt cho GDP. Kinh tế không suy giảm mạnh trong quý 2/2009 và như vậy có khả năng kinh tế có thể đã tăng trưởng nhẹ.
Công ty dự báo kinh tế Macroeconomic Advisers mới đây đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP quý 2/2009 từ mức âm 1,6% lên mức dương 0,2% sau thông tin trên. Số liệu mới nhất từ Trung Quốc tiếp tục khẳng định cho việc đà suy giảm của thương mại toàn cầu đang dịu bớt.
Theo thông tin từ Tân Hoa Xã, xuất khẩu Trung Quốc tháng 6/2009 hạ 21,4% so với 1 năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức hạ 26% trong tháng 5/2009. Trong báo cáo mới nhất công bố đầu tuần này, Goldman Sachs ước tính tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể vượt mức 8%, yếu tố chính đằng sau cái nhìn lạc quan trên là các số liệu thương mại đã có cải thiện tích cực.
Báo cáo nhận xét thương mại không còn đè nặng lên nền kinh tế trong lúc đó tăng trưởng của thị trường nội địa ngày một lớn. Tin tức tốt lành về xuất khẩu Mỹ đã bị lấn át bởi thông tin nhập khẩu giảm, điều này cho thấy doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ hạn chế chi tiêu như thế nào đối với hàng nhập khẩu. Đây hoàn toàn không phải là tin tốt đối với các nền kinh tế phát triển phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Tình hình thị trường thương mại nhìn chung vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức trước khủng hoảng. Ông Ted Wieseman, chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley ở New York, nhận xét: “Nếu xét về mặt số liệu, có thể cho rằng thương mại sẽ là một yếu tố tích cực, thế nhưng nguyên nhân chính là nhập khẩu đang giảm với tốc độ nhanh hơn.
Xuất khẩu khiến GDP tăng còn nhập khẩu kéo lùi GDP, việc thu hẹp giữa hai số liệu này sẽ khiến tăng trưởng tăng. Năm 2008, xuất khẩu chiếm 13% GDP Mỹ. Đối với một số công ty Mỹ đang cố gắng vượt qua khủng hoảng, thị trường nước ngoài cho đến nay vẫn đóng vai trò “cứu cánh” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống.
Ông Dyke Messinger, giám đốc điều hành của Power Curbers, nhận xét: “Chúng ta đã thấy hoạt động kinh doanh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cải thiện.” Công ty này sản xuất máy xây dựng cho khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Công việc kinh doanh của công ty liên quan trực tiếp đến ngành xây dựng, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn vào mùa thu năm ngoái khi suy thoái kinh tế tác động xấu lên khắp toàn cầu. Theo ông, thị trường nước ngoài trong bối cảnh hiện nay là nguồn hỗ trợ duy nhất đối với công ty hoạt động trong lĩnh vực như ông. Trước đây, xuất khẩu mang lại 25% doanh số và nay con số này lên tới 80%.
Ông cho biết: “Chúng tôi đang nhận được đơn đặt hàng từ Canada, Nam Phi, châu Á, dù vậy, thị trường hoạt động sôi nổi nhất là thị trường Trung Đông và châu Phi.” Dù đã ổn định dù vẫn ở mức thấp trong những tháng vừa qua, thương mại chưa hề có dấu hiệu sẽ tăng trưởng mạnh.
Ông William Fung, giám đốc điều hành tại Li & Fung, một công ty Hồng Kông chuyên sản xuất hàng quần áo, giày dép và hàng tiêu dùng cho thương hiệu và tên tuổi lớn trên khắp nước Mỹ, nhận xét trong khi một số người mua hàng tại Mỹ đã tiến hành đặt hàng để bổ sung vào kho còn trống, phần lớn vẫn không dự trữ hàng, trì hoãn đặt hàng cho đến nửa sau của năm.
Câu hỏi phổ biến nhất mà khách hàng thường dành cho ông là liệu ông có thể giảm giá hàng hóa đến đâu. Câu hỏi thứ hai thường là “Thay đổi mới sẽ như thế nào, một khách hàng trước đây thường trữ lượng hàng tồn kho cho 17 tuần và nay khách hàng đó đang cố gắng giảm số hàng tồn kho xuống chỉ còn trong 10 tuần theo mô hình kinh doanh mới.” Các chuyên gia kinh tế đã lo ngại việc giá dầu tăng cao trong thời gian gần đây có thể khiến thâm hụt thương mại Mỹ tăng cao. Tuy nhiên việc giảm nhập khẩu dầu do nhu cầu yếu đã bù lại cho ảnh hưởng từ giá dầu tăng cao.
Nhập khẩu dầu của Mỹ tháng 5/2009 thấp hơn 11% so với tháng 4/2009. Giá dầu từ tháng 4/2009 sang tháng 5/2009 tăng 9,9% lên mức 51,21USD/thùng nhưng vẫn thấp hơn so với 1 năm trước. Giá xăng tăng cao, tỷ lệ lãi suất vay nợ/cầm cố thế chấp tăng khiến người tiêu dùng mất niềm tin, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 7/2009 xuống mức 64,6 từ mức 70,8 của tháng 6/2009.
Thâm hụt thương mại Mỹ giảm đồng nghĩa Mỹ sẽ ít phải vay tiền từ nước ngoài. Đồng USD mạnh lên so với euro trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và tính từ đầu năm đến nay đang tăng giá so với euro.