Thủy sản sẽ gặp khó tại EU với quy định kiểm soát sản phẩm đánh bắt
Luật cũng nêu rõ các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức ít nhất gấp 5 lần giá trị của sản phẩm sai phạm, gấp 8 lần giá trị cho các trường hợp tái phạm trong thời gian 5 năm. Ngoài ra luật cũng đưa ra các biện pháp xử phạt khác kèm theo như tịch thu tạm thời tàu đánh bắt cá vi phạm...
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: “Việt Nam không phản đối luật IUU. Tuy nhiên, thời hạn áp dụng từ 1/2010 là thiếu thực tế, không đủ thời gian để đáp ứng yêu cầu của EU”. Theo ông Dũng, EU phải có lộ trình 2-3 năm để tiến hành và có hướng dẫn cho các nước thực hiện".
Hiện tại, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 26% kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm, theo thống kê của Hải quan. Theo EC, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm thủy sản thế giới. Năm 2007, cộng đồng EU đã nhập khẩu gần 16 tỷ Euro trong đó, các sản phẩm thủy sản từ hoạt động IUU ước tính 1,1 tỷ Euro.
IUU (Illegal, unreported and unregulated fishing) là hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định.
Theo Hội đồng Liên Minh Châu Âu (EC), IUU là một trong những hoạt động gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường biển, tính bền vững của các loài cá và tình hình kinh tế-xã hội của ngư dân. Cho nên, EC thiết lập hệ thống trong phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Từ năm 2007, EC bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về Quy định IUU. Văn bản đề xuất đầu tiên của Quy định IUU được thông qua vào tháng 10/2007. Ngày 24/6/2008, văn bản này đã đạt được sự đồng thuận chính trị trong EU. Hội đồng châu Âu chính thức thông qua ngày 29/9/2008 (Quyết định số 1005/2008 kèm theo). Quy định IUU sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. |