Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm
Từ ngày 30/8 – 1/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 8/2011. Đây là Phiên họp thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.
Trong 3 ngày làm việc, Chính phủ đã nghe Báo cáo, thảo luận về tình hình thực hiện cắt giảm vốn đầu tư nhà nước theo Nghị quyết 11; Tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 – 2015; Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 và xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015; cho ý kiến đối với Tờ trình về dự án Luật Giám định tư pháp…
Chỉ số giá tiêu dùng ở mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ nhận định, nhờ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong tháng 8 và 8 tháng năm 2011, tình hình kinh tế-xã hội đã dần đi vào ổn định, một số lĩnh vực đạt kết quả khả quan.
Thu ngân sách đạt khá, đảm bảo tiến độ thực hiện và đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao, đáp ứng kịp thời các khoản chi phát sinh. Công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa đã được thực hiện từng bước có hiệu quả trong việc thắt chặt chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Đến ngày 26/8/2011, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện và có báo cáo về kết quả cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư kế hoạch năm 2011. Hiện, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện ngừng khởi công mới, cắt giảm, điều chuyển vốn của 2.103 dự án với tổng số vốn trên 6.530 tỷ đồng.
Về tiền tệ, tín dụng; tổng phương tiện thanh toán đến ngày 19/8/2011 ước tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 7,83% so với tháng 12/2010.
Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 8,15% so với cuối năm 2010; cụ thể dư nợ tín dụng bằng VND ước tăng 1,05% so với tháng trước và tăng 3,94% so với cuối năm 2010; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước giảm 0,82% so với tháng trước và đã tăng 23,91% so với năm 2010.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại được cải thiện, tâm lý thị trường ổn định, thị trường ngoại tệ tự do được kiểm soát chặt chẽ. Lượng ngoại tệ các ngân hàng thương mại mua được lớn hơn nhiều so với lượng ngoại tệ bán ra. Tổng cộng lượng ngoại hối mua vào để tăng dự trữ tăng 6 tỷ USD so với đầu năm.
Trong tháng, giá vàng trong nước biến động phức tạp do ảnh hưởng tăng mạnh của giá vàng thế giới, kéo theo tỷ giá giao dịch trên thị trường có xu hướng tăng nhẹ và Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu; tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2011 ước đạt 8,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2011 ước đạt trên 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%).
Nhập siêu tháng 8/2011 khoảng 0,8 tỷ USD, bằng 9,6% kim ngạch xuất khẩu; nhập siêu 8 tháng năm 2011 khoảng 6,21 tỷ USD bằng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về giá cả, lạm phát; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2011 tăng 0,93% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là lần đầu tiêu mức tăng chỉ số giá dưới 1%. Điều này cho thấy việc thực hiện nghiêm túc Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP đã thu được những kết quả trong kiềm chế lạm phát.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
Tính bình quân, chỉ số giá 8 tháng năm 2011 tăng 17,64% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng nhẹ so với tháng trước chủ yếu do giá cả một số mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống trong nước tăng; bên cạnh đó giá cả mặt hàng giáo dục cũng tăng do bước vào năm học mới.
Về tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2011 ước tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 8 tháng năm 2011, IIP tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Sản xuất nông nghiệp tính đến giữa tháng 8/2011, tổng diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2010, chăn nuôi từng bước phục hồi và phát triển ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng năm 2011 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2010; lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 3,96 triệu lượt khách, tăng 18,4%...
Cũng trong 8 tháng năm 2011, có hơn 52 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký ước đạt trên 318,54 nghìn tỷ đồng, bằng 97,5% về số doanh nghiệp đăng ký mới và bằng 36,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả những mục tiêu kinh tế- xã hội đã đặt ra.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, trong tháng, tình hình thiên tai, dịch bệnh đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; lạm phát vẫn ở mức cao; lãi suất còn ở mức cao cùng với khó khăn tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng gây nhiều áp lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Chỉ đạo quyết liệt và làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội
Theo nhận định của nhiều thành viên Chính phủ, những biến động của kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có những tác động đan xen cả tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Song, nền kinh tế nước ta vẫn có triển vọng tăng trưởng khá trong thời gian tới, kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định hơn.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
“Trong lúc khó khăn lại càng phải đặc biệt quan tâm tới an sinh xã hội, công tác giảm nghèo; về chỉ tiêu tăng trưởng, có thể phải thận trọng trước khó khăn khách quan, song công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và chăm lo cho khu vực nông thôn miền núi luôn phải được giữ vững” ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã được Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ chia sẻ, đồng tình.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới khu vực nông thôn, miền núi, đến vấn đề nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, việc từng bước giảm lãi suất hợp lý và điều chỉnh chính sách tài khóa sẽ góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang sau khi điểm qua những đóng góp nổi bật của công tác an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội vào thành tựu kinh tế- xã hội chung, đã bổ sung ý kiến vào việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11, theo đó cần cụ thể hóa các tiêu chí về cắt giảm đầu tư công; xây dựng tiêu chí ưu tiên đối với các công trình mang tính cấp bách, hoặc đối với khu vực nông thôn, miền núi, biển đảo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
Trước vấn đề có sự chênh lệch lớn về giá đối với một số mặt hàng giữa nơi sản xuất và giá mua thực tế của người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề nghị cần tăng cường hơn nữa vai trò điều tiết của nhà nước trong lưu thông, phân phối; tổ chức lại hệ thống lưu thông, phân phối nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất, người tiêu dùng; tránh sự chênh lệch quá lớn về giá giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Tiếp tục kiên định thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11
Phát biểu kết luận Phiên họp, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, điểm rõ nét về tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2011 là chúng ta đã chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi.
Lạm phát đã được kiểm soát và có xu hướng giảm dần, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 ở mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là lần đầu tiên mức tăng chỉ số giá dưới 1%; kinh tế vĩ mô dần ổn định; đặc biệt trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, công tác an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, không cắt bất kỳ các khoản chi tiêu nào dành cho an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có sự phát triển; công tác xóa giảm nghèo đạt được những kết quả hết sức tích cực…
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nước ta sẽ tiếp tục chịu những tác động tiêu cực do khủng hoảng và suy thoái, vì thế bên cạnh những yếu tố thuận lợi và cơ hội, trong những tháng cuối năm 2011 và thời gian tới, nước ta cũng sẽ tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2011 và thời gian tới vẫn là tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Cần nhận thức đúng đắn về mục tiêu của Nghị quyết 11 là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước theo những mục tiêu mà Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Theo đó, trước hết tiếp tục kiên trì chính sách tiền tệ chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các biện pháp điều hành, quản lý thị trường tín dụng, tiền tệ, ngoại hối; thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra nhằm kiềm chế lạm phát, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, quan tâm hơn nữa đến các chương trình phát triển nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất nông nghiệp; tăng cường hoạt động xuất khẩu những mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam; kiểm soát tốt nhập siêu nhất là nhập siêu những mặt hàng không cần thiết, xa xỉ.
Tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch, tài nguyên khoáng sản
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành chú trọng công tác xây dựng thể chế, kiên quyết sửa đổi những thủ tục hành chính, quy định chưa hợp lý, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp trong cuộc sống, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Kiểm soát tốt hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; quản lý hiệu quả về thị trường, giá cả; chống tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bất hợp pháp; không để xảy ra tình trạng sốt giá nhất là với những mặt hàng thiết yếu vào những tháng cuối năm.
Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, linh hoạt, cắt giảm và nâng cao hiệu quả đầu tư công; cắt, chuyển các khoản đầu tư công không cần ưu tiên, để tập trung cho các công trình, dự án thực sự cấp bách cần phải hoàn thành nhất là các công trình điện để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu về lạm phát để đến phiên họp thường kỳ tháng 9 Chính phủ sẽ bàn chuyên đề về lạm phát, nhằm đưa lạm phát xuống mức 1 con số.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp - Ảnh Chinhphu.vn |
Trước tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt, tràn lan, thiếu kiểm soát… gây ra những tác động hết sức tiêu cực đến môi trường, đời sống người dân, phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi…
giao Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát, chấn chỉnh trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong phiên họp tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục nhắc lại trong cuối phần phát biểu kết luận là công tác đảm bảo an sinh xã hội phải tiếp tục được chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt, không để bất cứ người dân nào bị thiếu đói; cùng với đó các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng các khoản dự phòng ngân sách cho công tác an sinh xã hội.
Thủ tướng nhắc nhở, bên cạnh các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, cá ngành, các cấp, các địa phương cần chú trọng tiến hành đồng bộ các giải pháp tiếp tục giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; độc lập chủ quyền quốc gia; kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, xem xét việc phân cấp quản lý trong đó lưu ý tới hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về quy hoạch.
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần mục tiêu vẫn là tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII đã chỉ ra.
Ảnh Chinhphu.vn |
Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cho Chính phủ chỉ số tăng trưởng có tính khả thi trong năm 2012 cũng như các chỉ tiêu khả thi về lạm phát, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu xuất khẩu…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến cụ thể đối với Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 – 2015; các Chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015. Về các Chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát kỹ lại, tránh sự chồng chéo, trùng dẫm.
Cuối cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền. Theo Thủ tướng, công tác thông tin- truyền thông phải bảo đảm nguyên tắc trung thực, khách quan, công khai, minh bạch hóa, dân chủ hóa nhưng phải góp phần làm cho nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng những kết quả đã đạt được kể cả những việc chưa làm được cũng như những khó khăn, thách thức… trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội, sự chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị, phấn đấu tiếp tục đưa đất nước vượt qua khó khăn vững bước đi lên.