Tỏa sáng đất thép Củ Chi
Chiến tranh đi qua, vùng “đất thép” những năm đầu giải phóng đầy những hố bom, cây cỏ xác xơ… Sau 35 năm lặng yên tiếng súng, đến nay thế hệ sau đã ươm mầm cho đất thép Củ Chi đâm chồi nở hoa. Từ An Sương (TPHCM) chạy theo quốc lộ 22 qua khỏi cầu An Hạ, hình ảnh đổi thay đầu tiên hiện rõ trên đất Củ Chi là Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung với hàng loạt công ty, xí nghiệp, nhà xưởng… đang hoạt động. Hai KCN khác là Tây Bắc Củ Chi và Đông Nam cũng thu hút hàng chục DN trong và ngoài nước đầu tư phát triển.
Tôi tình cờ gặp bác Hai Quân bên quán nước, bác nói các KCN đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và dân nhập cư; sản xuất nông nghiệp cũng phát triển lắm, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, giúp người dân đủ nước tưới, phát triển nghề nông, cuộc sống khấm khá hẳn.
Ngược về xã Thái Mỹ, đi trên những con đường nhựa thẳng tắp, lòng tôi bỗng bồi hồi về một vùng đất từng là trọng điểm bị đánh phá năm xưa, với những con đường đất đỏ bụi mù và lầy lội chưa phai mờ trong ký ức. Là xã nghèo nhất huyện, sống nhờ trồng lúa, nhưng trước đây bà con chỉ làm được một vụ. Từ sau năm 1982, hệ thống kênh Đông được xây dựng, có nước tưới dồi dào, bà con đã có thể trồng 3 vụ lúa/năm, lại trồng xen hoa màu như bắp, đậu phộng… đồng thời phát triển nghề truyền thống đan đát mây tre, cuộc sống khấm khá dần lên.
Một bác nông dân hồ hởi khoe xã mình nay không khác gì thành phố, đường sá khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế, Bệnh viện Củ Chi khá hiện đại, áp dụng được nhiều kỹ thuật y tế cao, phẫu thuật được cả chấn thương não... Củ Chi vậy mà ngon! Nghe bác nói, bỗng thấy vui lây về một vùng đất anh hùng trong chiến đấu và cũng “dữ dội” lắm trong xây dựng.
Tự hào về những đổi thay của quê hương, ông Cao Văn Xẹt, 81 tuổi, ở ấp Tháp, vui vẻ nói: “Trận càn quét cuối cùng của lính Mỹ ở Thái Mỹ vào một ngày cuối tháng 4-1975, bom đạn trút xuống dữ dội nhưng 36 hộ dân ở vùng này vẫn cố bám trụ đến ngày giải phóng. Nối tiếp truyền thống cha anh, lớp trẻ bây giờ tham gia xây dựng, phát triển địa phương như thế, tôi thỏa nguyện lắm!”.
Sánh vai cùng Thái Mỹ, đất thép Củ Chi còn có Phước Vĩnh An - nơi có căn cứ Đồng Dù, từng là chiến trường ác liệt giữa ta và địch. Dấu tích chiến tranh còn đó nhưng cuộc sống người dân đã khác hẳn, nhà nhà sản xuất, người người vun trồng, bên cạnh cây lúa, người dân Phước Vĩnh An còn biết nuôi cá sấu, bò sữa, heo rừng, trồng phong lan… để phát triển kinh tế gia đình. Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông nổi tiếng cũng góp phần đưa cuộc sống bà con đi lên từng ngày.
Là huyện ngoại thành có diện tích rộng và xa trung tâm thành phố nhất nhưng Củ Chi đã có 2 xã sử dụng nước máy là Bình Mỹ và Thái Mỹ, hàng ngàn hộ dân ở 2 xã này đã nấu ăn bằng nước sạch. Có nước máy, người dân Bình Mỹ phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò sữa, nâng tổng số đàn bò sữa lên gần 2.000 con. Kinh tế phát triển, nhiều gia đình có của ăn của để, con em được học hành đến nơi đến chốn.
Nông dân Võ Tuấn Sinh ở ấp 1, xã Phước Vĩnh An, nhiều năm liền được huyện công nhận là nông dân sản xuất giỏi, phấn khởi nói: “Từ trong cái nghèo cái khó tôi đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình chăn nuôi và trồng trọt như: heo rừng, nhím, măng Tây, phong lan… Đến nay, kinh tế gia đình khá lên, các con ăn học thành đạt. Tôi không còn gì hạnh phúc hơn!”.
Đất thép Củ Chi đã ra khỏi đau thương để hồi sinh và tỏa sáng.