TP HCM: Giá nước sinh hoạt sẽ tăng 1,6 lần?
Sawaco viện dẫn, theo nghị định 117 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và thông tư hướng dẫn thì đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm và thiết bị phụ trợ khác, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Sawaco: khó trì hoãn tăng giá!
Từ dẫn chứng trên, Sawaco cho rằng chính mình và các công ty cấp nước “con” trên địa bàn TP.HCM đã phải bù lỗ khá lớn cho việc triển khai miễn phí hệ thống đường ống, đồng hồ đến các khách hàng.
Công ty cấp nước Thủ Đức đã phải bù lỗ trong sáu tháng đầu năm 2009 cho 4.412 đồng hồ nước khoảng trên 4,5 tỉ đồng; trong khi nếu tính tổng số đồng hồ nước gắn mới mà Sawaco triển khai từ tháng 8/2007 đến nay là hơn 120.000 đồng hồ, số tiền bù lỗ đã vượt trên 100 tỉ đồng. Một cán bộ của Sawaco than: “Theo nghị định, dân đề nghị gắn mới đồng hồ nước, chúng tôi không thể từ chối nếu đã có mạng lưới ống nước. Càng triển khai gắn mới đồng hồ nước, càng bị lỗ nhiều”.
Theo Sawaco, giá nước hiện nay được áp dụng từ năm 2004, đã không phản ánh đúng, đủ chi phí hình thành. Quá trình xây dựng giá nước mới quá lâu, việc thẩm định phương án giá nước mới kéo dài, nên nhiều khoản, mục đã thay đổi so với kết quả thẩm định của viện Kinh tế thực hiện năm 2007. Mức đầu tư chi phí các loại của năm 2009 cũng khác xa năm 2007.
Một lý do khác được Sawaco đưa ra: các công ty cấp nước chi nhánh lẫn Tổng công ty đều… than trời vì thiếu vốn do lạm phát. Năm 2009, công ty Cấp nước Thủ Đức chỉ có thể triển khai 2/22 công trình cấp nước, cải tạo đường ống bởi không thể vay vốn từ công ty mẹ (Sawaco). Và bản thân Sawaco chỉ còn 100 tỉ tiền vốn để phân bổ cho các công ty con trong khi nhu cầu thực lên đến 400 tỉ.
Tăng giá nước: còn nhiều chuyện phải bàn
Ông Bùi Sĩ Hoàng, phó tổng giám đốc Sawaco cho biết: “Với giá nước mới, Tổng công ty sẽ trích 52% giá thành để được đầu tư mới, cải tạo hệ thống phục vụ người dân. Hiện nay tại TP.HCM, tổng công ty mới chỉ đáp ứng 85% nhu cầu nước sinh hoạt của người dân bởi hệ thống cũ cần cải tạo rất nhiều, hệ thống mới đòi hỏi phải đầu tư, nên cần rất nhiều vốn”.
Lý do mà Sawaco đưa ra là: xét trên tốc độ trượt giá, giá hoá chất, vật liệu xử lý nước và các khoản khác tăng lên; chi phí gắn miễn phí đồng hồ nước và phát triển mạng cấp 3 thì tính theo giá năm 2004, do đó việc tăng giá nước sắp tới cao nhất sẽ là 66%.
Ngoài ra, Sawaco còn xin phép “treo” con số 100 tỉ bù lỗ từ tháng 7/2007 đưa vào khung giá nước mới (sắp tới sẽ tăng lên) chứ không phải “treo” ở kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến con số thất thoát nước lên đến gần 40% trên tổng số 1,2 triệu m3/ngày đêm của TP.HCM (trong khi người dân phải trả tiền cho 29% nước bị thất thoát), ông Lê Hữu Quang, phó trưởng phòng Hợp tác – phát triển kinh doanh Sawaco nói: “Hệ thống đường ống quá cũ trong khi chưa có điều kiện nâng cấp một cách căn cơ.
Bên thoát nước được đầu tư hỗ trợ vốn khá nhiều và sự trả giá là đời sống người dân gặp khó khăn vì “lô cốt”. Giả sử chúng tôi cải tạo đường ống nước ồ ạt, đời sống người dân sẽ bị đảo lộn. Chúng tôi chỉ nói là sẽ dần dần khắc phục tình trạng thất thoát nước, chứ không thể ngày một ngày hai. Không khắc phục nổi tình trạng thất thoát nước là do thiếu vốn, nhưng nếu có vốn cũng không thể làm nhanh”.
Theo ông Quang, Sawaco đưa ra sáu phương án tính giá nước mới trình UBND TP.HCM, tất cả đều dựa trên việc tính đúng, tính đủ, nhưng quyết định cuối cùng ở mức nào là thuộc về UBND TP.HCM.
Một việc “lấn cấn” khác là có khá nhiều khách hàng sử dụng nước sinh hoạt của Sawaco (85% dân số TP.HCM) đã, đang và có thể sẽ còn phàn nàn về việc chất lượng nước mà Sawaco và các công ty cấp nước “con” cung cấp. Theo phản ánh của người dân ở các quận 1, 3, 5, 7, 8, Gò Vấp, Thủ Đức… tình trạng nước sinh hoạt có màu lạ và thậm chí là mùi hôi vẫn còn xuất hiện đó đây ở từng lúc, từng thời kỳ.
Do đó, việc thực hiện nghị định 117, thông tư 95 về tăng giá nước là cần thiết, nhưng liệu người dân có thấy thuyết phục hay không lại là chuyện khác.