TP.HCM: Dở dang các công trình trọng điểm
Tại cuộc thông tin báo chí định kỳ sáu tháng đầu năm 2009 mới đây, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM nhận định “đa số các công trình đều thực hiện đúng tiến độ”. Nhưng khi xem kỹ 13 trang “Báo cáo tình hình thực hiện một số công trình giao thông trọng điểm” và thực tế diễn ra trên công trường, lại không phải vậy.
Cấp bách vẫn ì ạch
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa được khởi công ngày 3.12.2005, dự kiến sẽ hoàn thành sau 32 tháng thi công – tức ngày 3.10.2008. Thế nhưng, đến nay, nhiều đoạn của con đường này mù mịt bụi, mặt đường lởm chởm… Theo sở GTVT, với tiến độ như hiện nay, phải đến cuối năm 2009, con đường “mặt tiền” của thành phố mới hoàn thành. Nếu dự báo trên là đúng thì dự án “trọng điểm và cấp bách” này chậm tiến độ hơn một năm. Như vậy, với vốn đầu tư hơn 852 tỉ đồng cho một đoạn đường 3,8km phải kéo dài đến hơn bốn năm!
Tương tự, công trình cầu Thủ Thiêm được động thổ vào tháng 4.2005, dự kiến hoàn thành vào năm 2006, nhưng đến năm 2008, cầu mới thông xe. Tuy nhiên, cho đến nay, do các hạng mục phụ như hầm chui và các nhánh rẽ lên xuống cầu vẫn còn dở dang, nên cây cầu chưa hữu dụng.
Dự án xây dựng đại lộ đông tây, nếu thi công đúng tiến độ, công trình đã hoàn thành hồi năm 2008 vậy mà đến nay, khối lượng công việc của gói “xây dựng đường phía tây và mở rộng đường ven kênh” mới được 73% (dự kiến hoàn thành cuối tháng 1.2010); gói “xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm” mới được 70% (dự kiến hoàn thành vào 12.11.2010); và gói “thiết bị cơ điện cho hầm, thiết bị trạm thu phí, thiết bị vận hành và bảo dưỡng” mới được 50% (dự kiến hoàn thành vào 13.4.2011), theo sở GTVT.
Ngoài dự án cầu Phú Mỹ, đầu tư với hình thức BOT, có tiến độ thi công tương đối nhanh (phần cầu chính hoàn thành sớm hơn so với dự kiến), hầu hết các dự án hạ tầng giao thông còn lại được coi là trọng điểm và cấp bách, đang diễn ra rất chậm. Như công trình xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài; dự án xây dựng đường liên tỉnh lộ 25B; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội; dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; công trình mở rộng tỉnh lộ 10 (từ ranh Long An đến cầu Tân Tạo)… đến nay vẫn chưa xong việc đền bù, giải toả.
TP.HCM: tốn hàng ngàn tỉ đồng do thực hiện dự án chậm Theo ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM, thành phố còn 88 dự án thực hiện chậm tiến độ so với quy định, trong đó có 69 dự án thực hiện chậm làm tăng tổng vốn đầu tư trên 2.855 tỉ đồng. Cụ thể như: dự án sửa chữa, nâng cấp tỉnh lộ 9, vốn ban đầu là 72,6 tỉ đồng, sau ba năm “treo”, nay đã tăng lên trên 548 đồng; dự án đầu tư xây dựng trường THPT Nguyễn Thị Định (giai đoạn 2) từ 42,8 tỉ đồng tăng lên trên 83 tỉ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám (cầu Bông 2) từ 19 tỉ đồng lên trên 155 tỉ đồng... Tùng Quang |
Tổn thất kinh tế
Ngày 28.4.2009, cầu Chữ Y và cầu Nguyễn Văn Cừ thông xe, khoảng cách giữa quận 4, 7 và 8 với trung tâm thành phố được rút ngắn. Thế nhưng trong cái thở phào nhẹ nhõm của người dân còn có những nỗi niềm. Nếu những tính toán của thành phố chính xác, ngày thông xe cầu Nguyễn Văn Cừ là 30.4.2005. Ban đầu, kinh phí xây cầu này chỉ có 269,5 tỉ đồng, nhưng do triển khai chậm, chi phí đội lên 371,3 tỉ đồng. Chưa dừng lại ở đó, năm 2006, căn bệnh thi công chậm đã buộc TP.HCM phải điều chỉnh dự án với kinh phí lên đến 535,2 tỉ đồng, chưa kể những thiệt hại của người dân trong suốt thời gian thi công cây cầu.
Tương tự, lúc thi công hạng mục chính cầu Thủ Thiêm, cơ quan chuyên môn tính toán, mỗi tháng chậm trễ, ngân sách của thành phố phải chi hơn 1,1 tỉ đồng cho công tác bảo đảm giao thông thuỷ. Hiện nay, cầu Thủ Thiêm đã thông xe, nhưng các dự án hầm, đường kết nối chưa xong, nên sự lãng phí là khá rõ.
Ông Nguyễn Minh Hoà, giám đốc trung trâm Nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng, nói cầu đường là huyết mạch nuôi sống cơ thể đô thị. Nếu thi công chậm trễ thì hiệu quả thu hút đầu tư sẽ thấp. Khu đô thị Thủ Thiêm là ví dụ: được quy hoạch là khu đô thị hiện đại nhất nhì Đông Nam Á, nhưng mười năm rồi vẫn còn nằm trên giấy, một phần do hầm và cầu bắc qua Thủ Thiêm đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng.
Cần phải làm gì?
Quan chức của sở GTVT vẫn nêu ra những lý do, biện minh cho sự chậm trễ của các công trình trọng điểm: giải phóng mặt bằng chậm; vướng công trình ngầm; tiến độ dự án phụ thuộc vào dự án khác…Hay như đổ lỗi chung chung: do năng lực chủ đầu tư, đơn vị thi công và tư vấn thiết kế kém! Trong khi đó, theo ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM, việc phân bổ nguồn vốn và cách triển khai các dự án giao thông trọng điểm hiện nay chưa hợp lý, dẫn đến việc chậm trễ. Ông Khoa cho rằng, không nên triển khai các dự án tràn lan trong khi nguồn lực còn yếu. Cách tốt nhất là, khi triển khai dự án, cần tập trung nguồn lực tối đa để thực hiện nhanh, đúng tiến độ. Một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản nhận xét rằng, hiện tượng khởi công cây cầu, hay con đường cho giá nhà đất sốt lên… rồi dự án “nằm ì ra đó” không phải là ít.
Theo ông Trần Quang Phượng, giám đốc sở GTVT, Nhà nước đang thiếu vốn. Hiện sở này cần khoảng 200 tỉ đồng cho việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư tiếp tục 37 công trình giao thông trọng điểm. Thế nhưng, để xây dựng được các công trình trọng điểm này, ngành GTVT cần hàng ngàn tỉ đồng nữa…