TPHCM: GDP trong quý I tăng 4%

Trong quý I-2009, tất cả các ngành và thành phần kinh tế tại TPHCM đều chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) chỉ đạt 58.473 tỉ đồng (giá thực tế), tăng 4% so với quý I năm trước. Đây cũng là mức tăng của quý thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

 

Theo Cục Thống kê TPHCM, suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng rõ nét đến tất cả các lĩnh vực sản xuất nói chung và công nghiệp thành phố nói riêng.
 

Một số doanh nghiệp thuộc các ngành có đầu ra chính là xuất khẩu đã phải thu hẹp sản xuất, một số đơn vị có quy mô sản xuất nhỏ phải ngưng hoạt động. Giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm chỉ có mức tăng 1,9%, nhưng giá trị sản xuất xây dựng có mức tăng 13%.

 

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện 10.251 tỉ đồng, có mức tăng khá (11,5%); trong đó, vốn ngân sách thành phố có mức tăng 6,8%, do có một số thuận lợi như vào đầu năm giá vật liệu xây dựng đã xuống thấp, kế hoạch vốn phân bổ sớm cho các dự án và tiến độ đền bù dự án một số dự án trọng điểm đạt khá.

 

Toàn thành phố có tổng số vốn đầu tư nước ngoài là 515 triệu đô la Mỹ, bằng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ có mức tăng khá (18,3%), nhưng nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì chỉ có mức tăng 3,8%.

 

Trong lĩnh vực xuất khẩu, tổng kim ngạch thực hiện được hơn 4,4 tỉ đô la Mỹ, có mức giảm 11%, nhưng nếu loại trừ trị giá dầu thô thì tổng kim ngạch xuất thực hiện xấp xỉ 3 tỉ đô la Mỹ, có mức tăng tới 27,4%.

 

Ở khu vực kinh tế trong nước, một số mặt hàng có mức tăng khá như: gạo xuất khẩu được 737.500 tấn, trị giá 315,6 triệu đô la Mỹ (tăng 2,8 lần); hàng thuỷ sản đạt 86,4 triệu đô la Mỹ (tăng 5,3%); hàng may mặc đạt 387,7 triệu đô la Mỹ (tăng 6,7%); hàng giày dép đạt 5,5 triệu đô la Mỹ (tăng 2,6%).

 

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu trong quý này đạt khoảng 3,8 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 30% so với quý 1 năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 34%, đây là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay, một phần do giá hàng nhập khẩu giảm (xăng dầu giảm 50%, sắt thép giảm 30%), một phần do các nhà sản xuất khó khăn cho tiêu thụ hàng hoá nên đã hạn chế nhập nguyên vật liệu.