TPHCM: Kinh tế nhà nước dần “nhường sân” cho kinh tế tư nhân
|
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM về chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng TPHCM giai đoạn 2011 – 2015 tại cuộc họp của UBND thành phố chiều nay (7-1-2015), nếu trong giai đoạn 2006 – 2010 kinh tế nhà nước chiếm 26,6% thì đến năm 2014 đã giảm xuống còn 17% và dự báo năm 2015 sẽ giảm còn 16,8% trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố.
Trong khi đó, tỉ trọng thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã tăng từ 50,6% trong giai đoạn 2006 – 2010 lên đến 58% năm 2014 và ước đạt 58,2% trong năm 2015 này. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài năm 2014 chiếm tỉ trọng 25%.
Chính quyền thành phố đã tập trung tái cơ cấu 15 tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con có vốn nhà nước thuộc thành phố. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục sắp xếp, đề xuất giải thể, phá sản, bán các doanh nghiệp không hiệu quả, không có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thành phố sẽ bán phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, thoái vốn đầu tư các doanh nghiệp ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính của công ty mẹ.
Riêng trong hai năm (2014 – 2015), 14 tổng công ty, công ty 100% vốn nhà nước tại TPHCM sẽ thoái gần 4.735 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, theo báo cáo ngày 1-10 của UBND TPHCM về thực hiện đề án tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Tốc độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước tại thành phố sẽ được đẩy mạnh trong hai năm 2014-2015, đặc biệt trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư…
Theo Báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất TPHCM (Hepza), trong giai đoạn 2011 – 2015 các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh và phát triển ổn định tại các khu công nghiệp thành phố. Trong tổng vốn rót vào các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 4 tỉ đô la Mỹ thì vốn của doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 2,7 tỉ đô la Mỹ, còn lại của doanh nghiệp trong nước.
Ngoài sự thay đổi về tỉ trọng đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế, tỉ trọng các ngành trong GDP của thành phố giai đoạn 2011 – 2015 cũng có sự thay đổi theo hướng có gia tăng tỉ trọng các ngành dịch vụ và giảm dần các ngành công nghiệp và xây dựng.
Cụ thể, ngành dịch vụ năm 2010 chiếm tỉ trọng 53,6% trong GDP thì đến năm 2015 này ước tăng lên 59,9%. Trong khi đó, ngành công nghiệp và xây dựng giảm từ 45,4% năm 2010 xuống còn khoảng 39% trong năm 2015. Trong khi tỉ trọng ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng quanh quẩn ở mức 1% trong suốt nhiều năm qua.