TP.HCM: Phát triển dịch vụ cho thuê tài chính

TP.HCM: Phát triển dịch vụ cho thuê tài chính

Hiện nay, một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của VN sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là tiếp tục duy trì vị thế cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu. Muốn vậy, các DN cần đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển lâu dài và bền vững.

Giải pháp tốt cho vấn đề “khát” vốn


Việc đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị ở các DN sản xuất là một đòi hỏi bức thiết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Phần lớn các trang thiết bị của nhiều DN hiện đã lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với các nước tiên tiến. Song muốn đổi mới phải có vốn. Vậy, lấy vốn ở đâu?

Hiện nay, lượng vốn dài hạn đầu tư cho các dự án này ở các DN VN hết sức khiêm tốn. Kênh tài trợ quen thuộc vẫn là đi vay ở các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đối với các DN nhỏ và vừa, các DN mới ra đời không có đủ tài sản đảm bảo cũng như uy tín thì việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng quả là khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, đi thuê tài chính có thể là một giải pháp tốt.

Tại các KCX-KCN TP hiện có 384 DN nhỏ và vừa với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động cho thuê tài chính. Tuy nhiên thời gian qua, hoạt động của dịch vụ cho thuê tài chính tại các KCX-KCN còn hạn chế. Tổng dư nợ cho thuê năm 2007 là 130 tỷ đồng, chiếm 0,7% trong tổng vốn đầu tư đăng ký của các DN nhỏ và vừa và chiếm 1,19% trong tổng dư nợ cho thuê tại TPHCM; năm 2008 là 108,4 tỷ đồng, chiếm 0,6% trong tổng vốn đầu tư đăng ký của các DN nhỏ và vừa, chiếm 2% trong tổng dư nợ cho thuê tại TPHCM.

Hoàn thiện môi trường pháp lý


Để hoạt động cho thuê tài chính thật sự là một kênh tài trợ cho các DN VN nói chung và các DN KCX - KCN TP nói riêng, cần nâng cao nhận thức đối với DN và cá nhân khi tiếp cận dịch vụ cho thuê tài chính. Đây là dịch vụ còn mới mẻ đối với các chủ thể vay vốn. Để mở rộng và nâng cao hiệu quả của kênh tiếp vốn này, cần phải có chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về dịch vụ cho thuê tài chính thông qua các lớp tập huấn, hội thảo; bằng các phương tiện thông tin như truyền hình, báo, đài để các thành phần kinh tế biết và hiểu sâu sắc dịch vụ này.

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện môi trường pháp lý đối với hoạt động cho thuê tài chính, cho phép các công ty cho thuê tài sản được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc thiết bị khi cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu thuê. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng giữa DN nhập khẩu máy móc thiết bị cho thuê và DN trực tiếp nhập máy móc thiết bị để sản xuất hàng xuất khẩu.

Mặt khác, theo Nghị định 16/2001/NĐ-CP, bất động sản chưa được xếp vào loại tài sản cho thuê tài chính. Điều này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế nên cần xem xét, bổ sung đối với tài sản cho thuê là bất động sản.

Song song đó, phải xây dựng một cơ chế cho phép các công ty cho thuê tài chính bán các khoản phải thu từ các hợp đồng thuê tài chính. Đây là một nghiệp vụ khá phổ biến ở các nước (không chỉ áp dụng với các khoản thuê mà còn áp dụng được với các khoản nợ nói chung) nhằm giúp các công ty cho thuê tài chính chủ động về nguồn vốn. Tuy nhiên đây là một nghiệp vụ khá phức tạp về mặt kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trong sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để có thể đưa ra được một cơ chế hoàn chỉnh và có thể áp dụng được ngay cho các công ty cho thuê tài chính.