TPHCM: Tăng diện tích Khu nông nghiệp công nghệ cao
Diện tích khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM sẽ tăng lên thêm gần 400 héc ta nữa - Ảnh minh họa: Hùng Lê |
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị hợp tác các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới diễn ra tại TPHCM gần đây, ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban Ban Quản lý AHTP cho biết trong 5 năm tới đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm gần 400 héc ta để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Theo định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2025, ngoài khu hiện hữu với diện tích hơn 88 héc ta ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi tập trung cho trồng trọt đã được khai thác hết, AHTP sẽ phát triển thêm ba khu khác gồm khu 200 héc ta bên cạnh khu hiện hữu này cũng tập trung cho hoạt động trồng trọt, nuôi cá cảnh nước ngọt, cây thủy sinh.
Hai khu còn lại sẽ được phát triển ở địa điểm khác của thành phố trong đó một ở xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có diện tích quy hoạch 90 héc ta sẽ tập trung phục vụ cho hoạt động chuyên ngành thủy sản như giống thủy sản và các chế phẩm sinh học sử dụng trong môi trường nuôi trồng thủy sản.
Khu còn lại có diện tích 100 héc ta ở huyện Bình Chánh tập trung sản xuất và lai tạo các giống bò sữa, bò thịt, gà, heo và các mô hình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học.
Trước mắt, AHTP sẽ tập trung xây dựng dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2017.
AHTP sẽ phát triển thành khu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả bền vững; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thủy sản theo hướng gắn liền với đặc trưng của đô thị lớn là nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất…
Theo ông Thiện, AHTP sẽ mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng phát triển ở những khu mới này.
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban quản lý AHTP, cho biết sau hơn 10 năm hình thành và phát triển đến nay Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã dần khẳng định vị trí tiên phong cho việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của thành phố và tạo sự lan tỏa sang các tỉnh thành lân cận.
Bước đầu, AHTP góp phần hình thành một số vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như vùng sản xuất hoa lan tại 6 xã ở huyện Củ Chi; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn... với gần 330 mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap trên tổng diện tích canh tác là hơn 145 héc ta.
Ngoài ra, AHTP còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học cho năng suất đạt cao hơn từ 15-30% so với cách thức canh tác trước đây.
AHTP được đầu tư xây dựng năm 2004 với diện tích khoảng 88 héc ta và đi vào hoạt động từ năm 2010. Đây là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước chủ yếu cung cấp hạt giống chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao các mô hình sản xuất rau an toàn cho nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Đến nay, AHTP đã thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn 190 tỉ đồng. |