Trà Vinh tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội

Trà Vinh tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội

Ông TRẦN TRÍ DŨNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung trên.
Ông có thể giới thiệu khái quát về tiềm năng, vị thế của Trà Vinh?

Trà Vinh là tỉnh duyên hải ĐBSCL, có diện tích tự nhiên 2.292 km2, dân số 1,1 triệu người, gồm 3 dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer), tiếp giáp với các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng và biển Đông (65 km bờ biển), cách TP.HCM 200 km (Quốc lộ 53), 130 km (Quốc lộ 60 đã thông tuyến). Dự án cầu Cổ Chiên nối tỉnh Trà Vinh với Bến Tre, phà Đại Ngãi nối liền Trà Vinh với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đang thi công, khi hoàn thành sẽ tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt từ Trà Vinh đi các tỉnh trong vùng và TP.HCM.

Được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, gồm hai cửa biển Cung Hầu, Định An, bên cạnh tận dụng phát triển nguồn lợi thủy hải sản, còn tạo điều kiện cho giao thông đường thủy trên địa bàn Trà Vinh phát triển. Đặc biệt, dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn (20.000 tấn) vào sông Hậu, do Trung ương đầu tư, đang thi công xây dựng qua địa bàn Duyên Hải, Trà Cú, mở ra triển vọng mới cho Trà Vinh và các tỉnh ĐBSCL, khi nơi đây đang hướng tới là cửa ngõ chính của vùng để thông thương với quốc tế, mà không phải qua các cảng ở TP.HCM, giảm chi phí đáng kể trong xuất nhập khẩu. Đồng thời, nơi đây còn hội đủ điều kiện để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế (cảng nước sâu) tại cửa biển Định An.

Bên cạnh đó, Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải, công suất 4.400 MW đang triển khai xây dựng, khi hoàn thành sẽ hòa vào mạng lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phê duyệt các dự án: Khu kinh tế Định An quy mô 39.020 ha và 3 khu công nghiệp gồm: Long Đức (100 ha) đã được lấp đầy, đang quy hoạch mở rộng thêm khoảng 120 ha; Cổ Chiên (200 ha); Cầu Quan (150 ha) đã được Chính phủ phê duyệt, đang mời gọi các nhà đầu tư và quy hoạch các cụm công nghiệp huyện, thành phố, đi liền với việc nâng cấp hạ tầng các địa phương (nhất là, TP. Trà Vinh, Trà Cú, thị xã Duyên Hải trong tương lai)…, tạo cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh Trà Vinh.

Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã tận dụng những lợi thế nào để vực dậy tiềm năng, phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội?

Là tỉnh thuần nông, trong những năm qua, nhờ đầu tư hoàn thành hệ thống thủy lợi đưa nước ngọt từ sông Hậu về, Trà Vinh đã chuyển nhiều vùng sang sản xuất 3 vụ lúa, góp phần đáng kể cải thiện thu nhập cho đại bộ phận nông dân, nhất là vùng sâu, vùng có đông đồng bào Khmer; đưa xuất khẩu gạo chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Nhờ tận dụng nguồn lợi thủy hải sản, xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh chiếm tỷ trọng gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh (150 triệu USD). Từ đầu năm đến nay, xuất phát từ yêu cầu chung của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh triển khai hiệu quả Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2010, chuyển dịch đúng hướng, tăng hiệu quả chất lượng, giá trị nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, tập trung nguyên liệu cho xuất khẩu, phát triển mạnh các ngành công nghiệp; chế biến thủy hải sản, dừa, giày da, may mặc, mía đường, thức ăn chăn nuôi… (ngành công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái).

Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.300 doanh nghiệp, vốn đăng ký 9.310 tỷ đồng, 107 dự án đầu tư (trong đó có 23 dự án đầu tư nước ngoài), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vươn lên hàng thứ 4 trong cả nước (năm 2010). Năm 2010, tỉnh dành nguồn lực khoảng 145 tỷ đồng để thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Nhằm góp phần đưa kinh tế Trà Vinh phát triển toàn diện và ổn định, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Để kinh tế tỉnh Trà Vinh phát triển toàn diện và bền vững hơn, theo tôi, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch toàn diện trên các lĩnh vực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà, tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mạng lưới giao thông và khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn lực về đất đai, lao động, hiệu quả sản xuất từ nông nghiệp, tạo bước đột phá từ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, gắn với tăng trưởng thương mại - dịch vụ, hiện đại hóa nông thôn.

Trong 5 năm tới, tỉnh tập trung các nguồn lực xã hội (khoảng 8.000 tỷ đồng/năm) để đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, cùng với việc xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của tỉnh. Triển khai các hoạt động theo chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khu vực và các bộ, ngành trung ương, phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn: cầu Cổ Chiên, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 60, đường tỉnh 915, các dự án thủy lợi trọng điểm, các dự án của tỉnh đầu tư. Thực hiện các chính sách mời gọi đầu tư mạnh vào Khu kinh tế Định An. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu bằng các giải pháp thu hút đầu tư mới vào khu công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ…, tăng khả năng, lợi thế cạnh tranh hàng xuất khẩu của tỉnh.