“Trảm” sân golf, bảo vệ đất trồng lúa

Phần chất vấn và trả lời chất vấn dành cho Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên diễn ra khá nóng với hàng loạt vấn đề về khai thác bôxit ở Tây nguyên, sử dụng đất sai mục đích, vướng mắc về bồi thường, giải tỏa... Trong đó nóng nhất là câu chuyện “sân golf lấn lúa”.

“Trảm” bớt sân golf

Đại biểu của thủ đô Hà Nội, địa phương dẫn đầu cả nước về số dự án sân golf, ông Nguyễn Minh Hà hỏi thẳng: “Báo cáo của bộ nói cả nước có 139 dự án sân golf, xin hỏi bộ trưởng với một nước như chúng ta, số sân golf như vậy có quá nhiều không?”. Theo ông Hà, người dân rất bức xúc khi biết phần lớn đất sân golf lấy từ đất nông nghiệp và chỉ 30% là diện tích sân golf thật sự, còn lại là kinh doanh bất động sản.

“Rào trước” rằng việc quản lý quy hoạch sân golf đã được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - đầu tư, ông Nguyên cho hay mình chỉ có thể trả lời một số nội dung, nếu QH chưa hài lòng thì mời Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trả lời giúp. Theo ông Nguyên, thống kê gần nhất có 139 sân golf, trong đó 84 sân golf đã được Nhà nước cho phép, còn lại chỉ mới được cho chủ trương đầu tư, chưa kể hàng chục sân golf còn nằm trong ý đồ quy hoạch của các địa phương.

Theo ông Nguyên, trước khi có Luật đầu tư (tháng 6-2006), việc cấp phép cho 38 sân golf do Chính phủ thực hiện qua đầu mối là Bộ Kế hoạch - đầu tư với các thủ tục thẩm định về sử dụng đất, bảo vệ môi trường, nguồn nước rất chặt chẽ. Nhưng chỉ từ tháng 7-2006 đến nay số lượng sân golf do các tỉnh cấp phép đã nhiều gấp ba lần con số đó và do chưa có quy hoạch tổng thể cho sân golf nên các tỉnh lấy đất dành cho du lịch, thể thao, văn hóa, giải trí và cả đất trồng lúa để cấp cho sân golf.

Được mời “giúp” Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc đính chính: “Con số sân golf cả nước mà bộ này tổng rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ là 166 dự án đang hoạt động, đang triển khai hoặc đang quy hoạch xây dựng. Trong đó có 145 dự án đã được cấp đất, 84 dự án được cấp chứng nhận đầu tư”. Ông Phúc xác nhận phần lớn các dự án sân golf là trá hình để xây dựng khu dân cư.

 

"Bộ chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ chỉ giữ 116 sân golf, loại bỏ đi 50 sân golf"

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc

"Xin hỏi số sân golf ở nước ta có quá nhiều không khi có tới 166 dự án?"

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định)

Riêng các dự án đã được cấp đất lên tới 52.700ha (bình quân hơn 300ha/dự án) với diện tích đất nông nghiệp bị chiếm dụng là 10.500ha, trong đó có 2.900ha đất trồng lúa. Ông Phúc cho biết bộ này đã kiến nghị Chính phủ quy hoạch lại chỉ giữ 116 sân golf và “trảm” 50 sân golf. Tiêu chí để các sân golf được tồn tại là diện tích không quá 110ha, trong đó diện tích chiếm đất trồng lúa chất lượng xấu không quá 10ha. “Báo cáo với QH, đây là cuộc đấu tranh gay gắt với các địa phương vì các địa phương đã cấp rồi hoặc có dự kiến rồi. Không có lý gì lấy đất trồng lúa hai vụ, đất trồng cây công nghiệp, cây lâu năm để làm sân golf”- ông Phúc cho biết.

Mặc dù hai bộ trưởng đưa ra khá nhiều số liệu nhưng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) muốn biết cụ thể hơn: “Đề nghị bộ trưởng cung cấp danh sách tỉnh nào có nhiều dự án sân golf nhất? Nếu hôm nay tại hội trường này bộ trưởng không cung cấp được thì xin cho một lời hứa, xin nhắc lại là tôi đề nghị bộ trưởng cung cấp vì đây không phải là bí mật quốc gia”.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, hiện có 41/63 tỉnh, TP có dự án sân golf, trong đó Hà Nội và Bình Thuận dẫn đầu với mỗi nơi 19 sân golf, Bà Rịa - Vũng Tàu 14 sân golf, Lâm Đồng 11 dự án, Khánh Hòa 10 và Đồng Nai 9 dự án. Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho biết cả thế giới chỉ có 2.500 sân golf và trung bình mỗi nước chỉ có 14 sân golf, trong khi nước ta có tới 166 dự án.

Bảo vệ đất lúa bằng cách nào?

Trả lời câu hỏi này của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết sau khi có nghị quyết của trung ương về “tam nông”, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên - môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tính toán lại diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực tính đến năm 2020-2030 là bao nhiêu. Bộ này đã làm việc với Bộ Y tế về dự báo dân số năm 2030 (khoảng 125-130 triệu dân), làm việc với Bộ Khoa học - công nghệ để dự báo năng suất, đánh giá tác động biến đổi khí hậu, tính mức ăn của người dân...

Hiện các bộ đang tính toán để định ra nhu cầu đất trồng lúa phải giữ. “Báo cáo với QH, trước đây một số đại biểu bảo “khó làm chỉ giới lắm” nhưng chúng tôi hứa với QH là chỉ giới để bảo vệ đất lúa hai vụ, bảo vệ đất lúa là làm được”- ông Nguyên nói. Mặt khác, theo ông Nguyên, sẽ có cơ chế hỗ trợ người dân trồng lúa thỏa đáng khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích công nghiệp, bởi vì trồng lúa mà không làm công nghiệp thì không bao giờ giàu lên được và không bao giờ khá lên được. Bộ cũng đang kiến nghị Chính phủ tới đây doanh nghiệp nào lấy vào đất lúa là dùng cơ chế tài chính, đất lúa hai vụ nằm trong quy hoạch không phải giá như hiện nay, doanh nghiệp chịu được mới vào còn nếu không phải chuyển lên vùng cao, những nơi đất không trồng lúa.

Thu hồi đất sử dụng sai mục đích

Một vấn đề bức xúc khác cũng được các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên là tình trạng đất công giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng không đúng mục đích. Ông Nguyên cho biết chỉ riêng diện tích đất giao rồi để hoang hóa lên đến 30.000ha và chủ trương của bộ là kiên quyết thu hồi, diện tích đất công giao cho các tổ chức mà đem cho thuê lại cũng kiên quyết đề nghị thu hồi theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, việc thu hồi này không dễ và cần có thêm thời gian.