TTCK: Bộ Tư pháp “bí” định dạng lỗi hành chính với tội hình sự
Cơ quan soạn thảo luật đang lúng túng trong phân định ranh giới giữa xử lý hành chính hay hình sự đối với các hành vi vi phạm trên TTCK.
Sau 3 tháng chuẩn bị và qua 2 lần dự thảo, Ban soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều của Bộ Luật hình sự quy định về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán, chứng khoán vẫn không ngớt tranh luận trong phân định ranh giới giữa xử lý hình sự và hành chính đối với vi phạm trên TTCK.
Báo động đỏ liên tục…
Ngày 10/5, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban chứng khoán Nhà nước tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Thông tư. Theo dự thảo, tội cố ý công bố thông tin (CBTT) sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a, Bộ Luật hình sự), được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khi hành vi phạm tội gây thiệt hại cho NĐT với số tiền từ 1 đến dưới 2 tỷ đồng; rất nghiêm trọng là từ 2 tỷ đồng trở lên…
Về tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b, Bộ Luật hình sự), theo phương án 1 mà Ban soạn thảo đề xuất, thu lợi bất chính lớn là thu được một khoản lợi có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lời bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là từ 500 triệu đồng trở lên… Phương án 2, thu lợi bất chính lớn là thu được một khoản lợi có giá trị từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là trên 2 tỷ đồng.
Đối với tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c, Bộ Luật hình sự), theo phương án 1 mà Ban soạn thảo đưa ra, thì hành vi vi phạm được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khi gây thiệt hại cho NĐT với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng; rất nghiêm trọng là từ 2 tỷ đồng trở lên. Thu lợi bất chính lớn là trường hợp thu được một khoản lợi trị giá từ 2 tỷ đồng trở lên. Phương án 2, gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại cho NĐT với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng; rất nghiêm trọng là từ 2 tỷ đồng trở lên. Thu lợi bất chính lớn là trường hợp thu được một khoản lợi trị giá từ 200 triệu đồng trở lên…
Đại diện các CTCK, Sở GDCK cho rằng, đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, nếu phải lựa chọn phương án, thì họ ủng hộ phương án 2, còn đối với tội thao túng giá chứng khoán, họ chọn phương án 1.
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội cho rằng, việc lấy mốc 1 tỷ đồng trở lên để xác định tính chất gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… là tương đối phù hợp với thực tiễn hoạt động của TTCK.
Tuy nhiên, cũng như nhiều đại biểu khác, ông Trung cho rằng, dự thảo Thông tư xác định thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên từ hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán là quá thấp. Theo thông lệ quốc tế, cần gia tăng các hình phạt kinh tế đối với các loại tội phạm trên TTCK, tránh xu hướng hình sự hóa.
“Nếu dự thảo Thông tư chốt ở mức này, thì hệ thống cảnh báo các giao dịch có dấu hiệu vi phạm của các Sở GDCK và UBCK sẽ rơi vào tình trạng báo động đỏ liên tục, khiến cơ quan quản lý không đủ sức xử lý vi phạm…”, ông Trung nói.
Ông Trần Thanh, điều tra viên cao cấp của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, đề nghị nâng mức thu lợi bất chính đối với các tội danh quy định tại Điều 181a và 181b Bộ luật Hình sự là từ 500 triệu đồng trở lên.
Chủ tịch UBCK Vũ Bằng đề nghị, quy định mức thu lợi bất chính lớn đối với tội cố ý CBTT sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán là từ 1 tỷ đồng trở lên. Đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, quy định mức thu lợi bất chính lớn và gây hậu quả nghiêm trọng bằng tiền là từ 2 tỷ đồng trở lên; mức thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là từ 3 tỷ đồng trở lên. Đối với tội thao túng giá chứng khoán, quy định mức thu lợi bất chính lớn và gây hậu quả nghiêm trọng bằng tiền là từ 2 tỷ đồng trở lên, gây hậu quả rất nghiêm trọng bằng tiền từ 3 tỷ đồng trở lên.
Hướng dẫn luật lúng túng vì cụm từ “có thể”?
Bà Dương Tuyết Miên, Giám đốc Trung tâm Tội phạm học, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, sự lúng túng trong phân định ranh giới cho xử lý hành chính hay hình sự xuất phát từ chính quy định mơ hồ trong Bộ luật Hình sự. Điều 181b của Bộ luật quy định về sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán là điều luật duy nhất trong Bộ luật Hình sự hiện hành dùng từ “có thể” khi mô tả về khả năng gây ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán… gây nên tình trạng mập mờ trong cách hiểu và thực thi. Trong khi đó, Thông tư hướng dẫn phải phân định rõ mức độ thiệt hại như thế nào thì bị xử lý hình sự hay hành chính, nên đây là thách thức lớn cho Ban soạn thảo.
Việc còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Thông tư cho thấy, vẫn có sự lúng túng trong phân định ranh giới cho xử lý hình sự hay hành chính ở cấp xây dựng văn bản luật. Bởi vậy, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến của các chuyên gia, các thành viên TTCK để làm sáng tỏ 3 vấn đề cốt yếu. Thứ nhất, các hành vi vi phạm gây hậu quả đến mức nào thì bị xử lý hình sự hay hành chính? Thứ hai, nếu một hành vi vi phạm tuy chưa thu lợi bất chính, nhưng đã gây thiệt hại cho các bên liên quan, thì có bị xử lý hình sự không? Thứ ba, xác định hành vi vi phạm gây hậu quả đến mức nào thì bị coi là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng?
Với những câu hỏi chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng nêu trên, thách thức cho Ban soạn thảo là không nhỏ khi theo kế hoạch, muộn nhất là cuối tháng 6 tới, dự thảo Thông tư phải được hoàn chỉnh để ban hành.
Ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT CTCK Kim Long đề xuất, dự thảo Thông tư cần bổ sung quy định, UBCK là cơ quan có trách nhiệm tính toán để xác định giá trị thiệt hại về tiền do các hành vi vi phạm gây ra, để trên cơ sở đó làm căn cứ cho việc xử lý hình sự hay hành chính. Ngoài nhiệm vụ gần giống như một cơ quan có chức năng giám định mức độ thiệt hại về tiền, vật chất, dự thảo Thông tư cũng cần có quy định UBCK là đơn vị xác định mức độ tác động của các hành vi vi phạm đến hoạt động của thị trường, đến tâm lý của NĐT…, để làm căn cứ để áp dụng khung hình phạt.