Từ năm 2010, công bố thêm chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP)
Từ năm 2009, ngoài việc công bố chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định (GTSXCN giá CĐ), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) sẽ công bố thêm chỉ tiêu IIP để cung cấp rõ hơn về sự phát triển của các ngành kinh tế, theo sản phẩm/mặt hàng.
Trong nhiều năm qua, để đánh giá tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp hàng tháng, Tổng cục Thống kê công bố chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc cung cấp thông tin nhanh phục vụ cho Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu hoạch định chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp một cách kịp thời.
Tuy nhiên, vì chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ được nghiên cứu, thu thập thông tin và áp dụng tính toán trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung nên đến nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và so sánh quốc tế.
Vì thế, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI), Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu khái niệm, nguồn thông tin và phương pháp tính chỉ tiêu “chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp” (viết tắt là IIP) thay thế chỉ tiêu GTSXCN trong những năm tới.
Từ tháng 1/2009, trong quá trình tính toán IIP, Tổng cục Thống kê đồng thời thu thập thông tin tính “chỉ số tồn kho” của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Ngày 1/7 vừa qua, Tổng cục Thống kê đã giới thiệu kết quả tính chỉ số IIP và chỉ số tồn kho của 6 tháng đầu năm 2009- một chỉ tiêu thống kê quan trọng.
Chỉ số tồn kho cùng với IIP và chỉ số tiêu thụ phản ánh chu trình sản xuất, tiêu thụ và tồn kho của hoạt động sản xuất công nghiệp, cung cấp bức tranh toàn diện hơn và cũng là chỉ tiêu kinh tế nhằm dự báo hoạt động sản xuất trong thời kỳ tiếp theo của nền kinh tế.
Qua việc công bố chỉ tiêu IIP 6 tháng đầu năm cho thấy, tốc độ tăng trưởng sản xuất quý 1/2009 so với cùng kỳ năm trước của toàn bộ khu vực công nghiệp tăng ở mức thấp là 1,5%. Trong đó, công nghiệp khai thác (chiếm 30,7% giá trị tăng thêm) tăng ở mức cao nhất với 7,7%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước (chiếm 9,1% giá trị tăng thêm) tăng 3,4%, trong khi đó ngành công nghiệp chế biến (chiếm tới 60,2% giá trị tăng thêm) lại giảm 1,6%.
Tuy nhiên, chỉ số IIP cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp đã tăng khá mạnh trong quý 2/2009), là cơ sở tạo ra tốc độ tăng của ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 4,5% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, công nghiệp khai thác tăng 10,4% (riêng dầu thô khai thác tăng gần 18%); công nghiệp chế biến đã phục hồi và có tăng trưởng dương đạt mức 1,5%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 6,7%.
Đây là tín hiệu tốt cho thấy công nghiệp đang dần phục hồi, đi vào phát triển ổn định để vượt qua thời kỳ khó khăn. Điều này còn thể hiện qua chỉ số tồn kho của các cành công nghiệp giảm dần qua các tháng trong năm. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến trong 6 tháng đầu 2009 so với cùng kỳ 2008 giảm dần: 170,7%; 170,5%; 164,6%; 152,4%; 137,6% và 134,6%.
Theo Tổng cục Thống kê, nếu so sánh kết quả số liệu về tăng trưởng sản xuất quý 1 và 6 tháng đầu năm 2009 theo chỉ số IIP và chỉ số GTSXCN giá CĐ cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp quý 1 và 6 tháng so với cùng kỳ năm trước tính theo IIP là 1,5% và 4,5%, trong khi đó tốc độ tính theo GTSXCN giá CĐ là 2,5% và 4,8%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chỉ số GTSXCN giá CĐ tăng cao hơn chỉ số IIP là do GTSXCN là chỉ tiêu tính toàn bộ kết quả sản xuất, bao gồm các yếu chi phí trung gian (nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng…) và giá trị tăng thêm, do vậy chỉ tiêu này có sự tính trùng kết quả của các ngành công nghiệp. Khi sản xuất công nghiệp phát triển, mức độ chuyên môn hóa sản xuất trong nền kinh tế càng cao thì mức độ tính trùng càng lớn. Trong khi đó, chỉ số IIP sử dụng quyền số là giá trị tăng thêm nên đã giảm thiểu mức độ tính trùng.
Hơn nữa, chỉ tiêu GTSXCN được tính bằng cách lấy khối lượng sản phẩm sản xuất của thời kỳ tính toán nhân với đơn giá của sản phẩm đó của năm gốc (năm 1994). Với cách tính này, nhiều sản phẩm mới xuất hiện nhưng không có giá trị của năm gốc, vì vậy việc tính toán không loại trừ hết được yếu tố tăng giá, dẫn tới GTSXCN thường tính cao hơn so với thực tế. Điều này cho thấy, chỉ số tăng trưởng công nghiệp tính theo GTSXCN giá CĐ kém sát thực hơn so với chỉ số IP.