Từ sự suy giảm FDI, nhìn lại...
Tháng 4-2009 vừa qua, cả nước chỉ có thêm 342 triệu đô la Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung bốn tháng đầu năm 2009, Việt Nam chỉ thu hút được 6,3 tỉ đô la Mỹ vốn FDI. Nhiều dự án đầu tư lớn đã được ký kết phải ngưng hoặc chậm giải ngân, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều lao động (ngành may, ngành giày...) đang đình trệ sản xuất.
Việt Nam đang là một quốc gia phụ thuộc vào FDI cao nhất khu vực. FDI chiếm gần 20% tổng đầu tư toàn xã hội, đóng góp 20% GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu, 3,5% lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh.
Năm 2008, cả nước phấn khích với thành tích thu hút đầu tư FDI 60 tỉ đô la Mỹ, trong đó có những dự án lớn với số vốn hàng tỉ đô la Mỹ. Bây giờ, thời gian “hào hứng” đã qua, chúng ta cần tỉnh táo đánh giá FDI trong bối cảnh phát triển chung của cả nền kinh tế.
Hai mươi năm qua, FDI vào Việt Nam là một nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế, là khu vực đầu tàu giúp nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng GDP liên tục và khá cao. Xét trên bình diện chung, đặc biệt là “điểm nhấn” FDI cao nhất trong năm 2008, các dự án đầu tư phần lớn tập trung khai thác tài nguyên gồm đất đai, bờ biển...
Trong lúc đó, nông nghiệp là thế mạnh của nước ta, FDI không tác động bao nhiêu, Việt Nam vẫn xuất khẩu sản phẩm thô là chính. Vẫn còn quá ít dự án FDI trong lĩnh vực cải thiện cơ sở hạ tầng. Đối với những dự án đầu tư khai thác nguồn nhân công giá rẻ sẽ rất bấp bênh vì doanh nghiệp sẽ rút đi khi chi phí lao động và các chi phí khác tăng lên.
Đó là chưa kể nhiều địa phương quá hào hứng thu hút FDI, không quan tâm đến tác động đối với môi trường, giao thông. TPHCM là một ví dụ: nhiều khu công nghiệp có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nằm ở ngay trong nội thành và các vùng phụ cận đã trở thành gánh nặng về ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông.
Thu hút FDI là rất cần thiết, là phù hợp với đặc điểm nền kinh tế có điểm xuất phát thấp như Việt Nam, nhưng quá lệ thuộc vào FDI không phải là sự lựa chọn khôn ngoan. Cần có sự sàng lọc, định hướng đầu tư nước ngoài vào những khu vực, ngành nghề có tác dụng cải thiện sâu sắc năng lực cạnh tranh, giúp nâng cao trình độ công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam.