VAMA tố các nhà nhập khẩu ô tô gian lận thuế
Trong Công văn VAMA-0912 gửi các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; các Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Thuế, VAMA cho biết, trong vài năm gần đây họ đã làm việc với cơ quan Hải quan và Bộ Tài chính để trao đổi những quan ngại của mình về những hành vi gian lận của một số nhà nhập khẩu trong việc khai giảm giá xe nhập khẩu nguyên chiếc (cả xe mới và xe đã qua sử dụng) và kiến nghị nên có sự kiểm soát chặt chẽ hơn để giải quyết tình hình này.
Tuy nhiên tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi các hoạt động gian lận này ngày càng có xu hướng gia tăng. Ngày càng nhiều ôtô mới nhập khẩu nguyên chiếc được nhập vào Việt Nam dưới dạng xe đã qua sử dụng.
Theo khảo sát của VAMA thực hiện hồi tháng 6/2009, các loại xe ’hot’ trên thị trường như Santa Fe, Kia Morning, Matiz, Getz...đều có mức giá khai báo ở cảng của Việt Nam chỉ bằng khoảng một nửa so với giá thị trường ở quốc gia sản xuất hoặc xuất khẩu. Chẳng hạn một chiếc Matiz 0,8 lít AT mới 100% sản xuất năm 2009 có giá tại Hàn Quốc là 6.065 - 7.027 USD/chiếc, nhưng mức khai báo ở cảng Việt Nam là từ 2.700 - 3.000 USD/chiếc.
Tương tự, các mẫu xe mới 100%, sản xuất năm 2009 nhãn hiệu Kia Moring 1.0 có giá tại thị trường Hàn Quốc là 5.883 - 7.374 USD/chiếc nhưng khai báo ở Việt Nam là 3.000 USD; Santa Fe 2.2 máy dầu số tự động giá 20.434- 26.238 USD nhưng khai báo ở Việt Nam chỉ 11.954 USD.
Chưa dừng lại ở đó, giá xe mà các nhà nhập khẩu áp dụng bán cho người tiêu dùng cao gấp khoảng 4 lần giá khai báo khi nhập khẩu và cao hơn phổ biến từ 30% tới 60% so với giá ghi trên hoá đơn.
Cụ thể, chiếc Matiz 0.8 lít nói trên có giá bán thực tế là 11.800 - 14.900 USD, nhưng giá ghi trên hoá đơn chỉ là 10.400 USD; Kia Moring giá bán từ 15.500 USD - 17.050 USD nhưng giá khai báo là 9.300 USD - 10.230 USD; Santa Fe máy dầu nêu trên giá bán 48.900 USD nhưng hoá đơn chỉ ghi 29.340 USD.
Đặc biệt, thống kê còn cho thấy, với những khai báo của các nhà nhập khẩu, giá xe dường mới dường như có xu hướng giảm từ tháng 1/2007.
"Vì vậy, mối quan ngại chính và giả định của chúng tôi là một số nhà nhập khẩu cố tình làm giá hoá đơn thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế cho khách hàng để giảm tiền thuế phải trả. Hậu quả là, Nhà nước sẽ mất nguồn thu đáng kể từ thuế nhập khẩu, sau đó là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Nghiêm trọng hơn, thị phần của xe nhập khẩu nguyên chiếc có thể tiếp tục tăng lên..." - Công văn của VAMA nhấn mạnh.
Theo thống kê, trong 4 năm qua, tỉ trọng xe nhập khẩu so với xe sản xuất lắp ráp trong nước đã tăng mạnh, từ mức 20% năm 2006 tăng lên 32% tính trong 8 tháng đầu năm 2009 và dự kiến 45% trong cả năm 2009. Nếu tình hình này tiếp diễn, không chỉ có ngành công nghiệp ôtô trong nước bị ảnh hưởng và không thể phát triển được mà thâm hụt thương mại lớn do tăng nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc cũng có thể xảy ra từ năm 2018 trở đi.
VAMA kiến nghị lãnh đạo các bộ ngành quan tâm tới việc điều tra, làm rõ và tìm giải pháp ngăn chặn gian lận thương mại để giữ cho môi trường kinh doanh lành mạnh, không bị thất thu thuế.
Về phần mình, Hiệp hội này cho biết sẵn sàng hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan chức năng bằng việc cung cấp cho các cơ quan chức năng các thông tin liên quan đến số VIN/số khung, model, tên thương hiệu, quốc gia xuất khẩu/tên nhà sản xuất và địa chỉ. Đồng thời VAMA cũng sẵn sàng tổ chức hội thảo để timìm giải pháp tối ưu cho vấn đề này.