Việt Nam: Địa chỉ mới về gia công phần mềm!
OutsourceWorld là diễn đàn và triển lãm lớn nhất thế giới về gia công trong ngành CNTT. Với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp đến từ 25 quốc gia.
Trên thực tế, Ấn Độ vốn được biết đến là thị trường gia công lớn nhất thế giới. Trung Quốc - đất nước hơn 1 tỷ dân - cũng được biết đến là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. Thế nhưng, chính tầm vóc đại gia của 2 cường quốc gia công CNTT lại đang tạo nên nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư. Lo ngại lớn nhất chính là việc Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu tăng giá thành gia công PM. Trước tình hình đó, tất cả các nhà đầu tư đều nhận thấy một đòi hỏi cấp thiết, đó là: tìm một “công trường gia công” mới tại khu vực khác để không “vướng” phải những sức ép về giá cả, nếu phụ thuộc vào thị trường cũ. Sự chuyển hướng của các nhà đầu tư là khó khăn mới của các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc, nhưng nó lại chính là cơ hội rất tốt cho các thị trường gia công PM mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp CNTT, trong đó có gia công PM ở nước ta đã đạt mức tăng trưởng nhanh khó tin. Đạt từ 30 - 40% năm, tỷ trọng trên GDP chiếm 0,4% với hơn 720 DN và gần 9.000 kỹ sư, cử nhân CNTT đang được đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm. So với nhu cầu hơn 1,5 triệu nhân lực thiếu hụt hiện nay trên thế giới, Việt Nam đang có lợi thế lớn bởi nguồn nhân lực trẻ. Nêu lên tầm nhìn mới cho ngành Công nghiệp PM tại Việt Nam, ông Trần Đoàn Kim - Phó tổng Thư ký Hiệp hội DNPM Việt Nam - VINASA khẳng định “Trong 10 năm tới, Việt Nam chưa thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về công nghiệp PM, song hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về nhân lực gia công PM”.
Theo điều tra của Tổ chức xúc tiến xử lý thông tin (Tokyo), trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực trong nước, các DN Nhật Bản đã đẩy mạnh việc chuyển giao phát triển PM ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Riêng năm 2008, số tiền đối tác Nhật Bản phải trả cho các DN PM Việt Nam đã lên tới 430 triệu yên và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Các DN Việt Nam cũng nhanh chóng chớp thời cơ để vào thị trường Nhật Bản mà điển hình là Công ty PM FPT Sofware. Doanh thu của đơn vị này tăng trưởng nhanh chóng, từ 1,9 triệu USD năm 2003 lên 30 triệu USD năm 2007, trong đó 57% doanh số là từ các DN Nhật Bản.
Tính tới thời điểm này, cả nước ta có khoảng 30 nghìn người làm việc trong ngành phần mềm và dịch vụ CNTT. Nhiều công ty PM nhỏ lẻ chỉ có nhân lực khoảng 100 người. Lực lượng đó có đủ đáp ứng những đơn hàng lớn? Từ thực tế ấy, người ta bắt đầu thấy được vai trò quan trọng của việc đào tạo thêm nguồn nhân lực cho ngành CNTT. Ước tính mỗi năm cả nước ta có khoảng 50.000 người tốt nghiệp từ các trường đào tạo chính quy và các cơ sở đào tạo nghề về CNTT. Tuy nhiên, chỉ có 5 đến 10% số lao động mới đó đủ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các DNPM lớn. Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain Aptech, cho biết: “Trong quá trình tham gia diễn đàn, tôi nhận thấy lĩnh vực gia công PM trên thế giới đang có thay đổi mạnh mẽ, các dự án PM được chuyển dịch sang khu vực mới có chi phí thấp hơn. Và đây chính là thời cơ thuận lợi để ngành CNTT Việt Nam bứt phá”.