Việt Nam đứng thứ 113 về môi trường kinh doanh thuận lợi
Suy thoái kinh tế toàn cầu như một bóng ma bao phủ toàn bộ thế giới, gây ảnh hưởng lên thị trường tài chính, bùng nổ cuộc chiến thất nghiệp và làm lung lay niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, thảm họa không chia đều cho tất cả các nước. Trong khi một số quốc gia đang bên bờ vực, một số khác có lợi thế hơn về cơ hội phục hồi, vẫn thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và nguồn nhân lực từ nơi khác đến tìm vận may.
Trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm nay, 127 quốc gia được đem ra so sánh đánh giá. Đây năm thứ hai liên tiếp Đan Mạch, với GDP tính theo đầu người 38.900 USD, đứng đầu danh sách. Những vị trí kế tiếp thuộc về Mỹ (GDP đầu người 48.000 USD), Canada, Singapore (GDP đầu người 52.900 USD) và New Zealand (GDP đầu người 28.500 USD).
Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các tiêu chí nhỏ dùng để đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi của tạp chí Forbes hầu hết không phải là thế mạnh của Việt Nam. Tuy những năm qua Việt Nam đã tiến bộ nhiều về một số mặt, nhưng các yếu tố như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay tính cạnh tranh vẫn chưa mấy cải thiện. |
Việt Nam không thay đổi vị trí so với năm ngoái, xếp thứ 113 về môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong đó, các tiêu chí nhỏ hơn bao gồm chính sách - xếp thứ 110, lương và giá cả xếp thứ 116, tham nhũng và chính sách thuế cùng đứng thứ 96 thế giới.
Việt Nam đứng sau tất cả các nước Đông Nam Á được xếp hạng lần này về môi trường kinh doanh thuận lợi, thua cả Campuchia, nước này tụt hạng từ 109 của năm ngoái xuống đứng thứ 112 năm nay. Singapore xếp hạng 4, cao nhất trong khu vực, tiếp theo là Malaysia đứng thứ 25, Thái Lan xếp thứ 59, Indonesia ở vị trí 79 và Philippines xếp thứ 84.
Đây là năm thứ tư liên tiếp tạp chí Forbes công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi. Tiêu chí để xếp hạng môi trường kinh doanh không chỉ là con số tăng trưởng kinh tế cao hay tỷ lệ thất nghiệp thấp, mà còn dựa trên đánh giá của giới đầu tư về độ năng động của nền kinh tế và những điều kiện lý tưởng cho việc kinh doanh buôn bán.
Các chính sách quan tâm đến nhà đầu tư, nhất là trong trường hợp xấu xảy ra với doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, ban đánh giá sử dụng số liệu của Tổ chức minh bạch quốc tế, cơ quan điều tra những sự vụ tham nhũng như lấy tài sản của doanh nghiệp dùng vào mục đích cá nhân.
Cuộc điều tra năm nay diễn ra trong không khí u ám của khủng hoảng tài chính, nên thị trường chứng khoán tại các quốc gia cũng được cân nhắc. Thị trường này phản ánh tình trạng hệ thống ngân hàng, cũng như lòng tin của nhà đầu tư vào khả năng phục hồi của kinh tế đất nước.
Cuộc khủng hoảng tài chính có thể sẽ không là thảm họa quá lớn với nhà đầu tư nếu họ được hưởng mức thuế thấp, nền kinh tế thương mại tự do và không bị chèn ép bởi thói quan liêu tham nhũng. Dù thâm hụt tài chính, ít nhất 50 quốc gia trên thế giới đã cắt giảm hoặc lên kế hoạch cắt giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp, trong đó có 8 quốc gia thuộc Top 10 trong bảng xếp hạng lần này.
Tiểu vương quốc Ảrập nhảy 28 bậc từ xếp hạng năm ngoái lên vị trí thứ 46 năm nay do có nhiều bước tiến lớn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. New Zealand lên 7 bậc, đạt vị trí thứ 5. Trong năm vừa rồi, nước này đã đẩy mạnh đối thoại với Ấn Độ, Hàn Quốc, Hong Kong, và ký hợp tác với Trung Quốc về thỏa thuận tự do thương mại.
Trong khi đó, các nước tụt hạng nhiều nhất năm nay là Ireland, tụt 12 bậc xuống xếp thứ 14; Uruguay, tụt 22 bậc xuống vị trí 66; Paraguay, tụt 29 bậc xuống đứng thứ 99 và Latvia, tụt 13 bậc xuống vị trí 45.
Các tham luận, nghiên cứu và báo cáo từ Diễn dàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Phòng thương mại Mỹ và Cơ quan Bảo vệ sở hữu Trí tuệ tại Mỹ, đã góp phần quan trọng vào bảng xếp hạng lần này