Việt Nam tạo điều kiện tốt hơn cho thương mại quốc tế
Ba nền kinh tế đi đầu toàn cầu trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của khu vực – theo thứ tự là Singapore, New Zealand, và Hong Kong (Trung Quốc).
Ngày 9/9, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức cầu truyền hình trực tiếp Washington (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Hà Nội (Việt Nam) và các nước: Indonesia, Philippines... thông báo kết quả Báo cáo Môi trường kinh doanh 2010.
Theo nhận định của WB, năm 2008-2009 là quãng thời gian đầy khó khăn đối với nền kinh tế thế giới. Các công ty trên toàn thế giới đã phải đối mặt với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ những nền kinh tế giàu có và sau đó hệ quả là sự suy giảm kinh tế có tính toàn cầu. Cơ hội tiếp cận tài chính trở nên khó khăn hơn. Yếu tố Cầu đã sụt giảm trên cả thị trường trong nước và quốc tế, thương mại chậm phát triển trên toàn thế giới. Các nhà hoạch định chính sách và các chính phủ cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn, từ việc bình ổn hoá khu vực tài chính tới việc lấy lại niềm tin và hy vọng trước tình trạng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng...
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức nêu trên, trong năm 2008-2009 nhiều chính phủ đã thực hiện các cải cách thể chế nhằm làm cho các điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn. Đại diện WB, bà Sylvia Solf - Giám đốc Chương trình, Dự án Môi trường Kinh doanh cho biết, đây là thời kỳ các chính phủ thực hiện cải cách nhiều nhất kể từ năm 2004, là thời điểm Báo cáo Môi trường Kinh doanh bắt đầu tiến hành đánh giá các kết quả cải cách thông qua các chỉ số của mình. Báo cáo Môi trường kinh doanh đã ghi nhận 287 cải cách tại 131 quốc gia trong giai đoạn từ tháng 6/2008 đến tháng 5/2009, tăng 20% so với năm trước đó. Các nhà cải cách tập trung vào mục tiêu đơn giản hoá việc thiết lập và tiến hành kinh doanh, củng cố quyền sở hữu tài sản và cải thiện tính hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và các thủ tục phá sản.
Theo báo cáo được công bố, trong năm qua, Việt Nam đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống còn 25% và loại bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với hoạt động chuyển nhượng đất đai. Việt Nam cũng áp dụng một luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng mới. Ngoài ra, gia tăng cạnh tranh trong ngành công nghiệp hậu cần và việc áp dụng các thủ tục hải quan mới - nằm trong khuôn khổ chương trình cải cách thành viên Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) cũng góp phần giảm bớt chậm trễ trong hoạt động thương mại quốc tế. Về tổng thể, Việt Nam đứng thứ 93 trong bảng xếp hạng năm nay, không thay đổi nhiều so với thứ hạng 91 của năm ngoái.
Trả lời câu hỏi phóng viên về nguyên nhân sự tụt hạng của Việt Nam trong Báo cáo Môi trường kinh doanh lần này, bà Sylvia Solf cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách, tuy nhiên nếu chỉ cải cách một vài lĩnh vực thôi là chưa đủ. Nhìn lại năm qua, hầu hết các nền kinh tế đều có cải cách mạnh mẽ và họ đã vượt qua Việt Nam bởi họ thúc đẩy quá trình này sát sao hơn.
Còn Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam - bà Victoria Kwakwa cho rằng, thứ hạng là dấu hiệu đánh giá sự khác biệt về cải thiện môi trường kinh doanh giữa quốc gia này với quốc gia khác. Tuy nhiên, nhà đầu tư còn quan tâm đến nhiều yếu tố khác như: việc điều tiết thị trường, sức mạnh của cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường... Và điều đó giải thích vì sao, mặc dù xếp thứ hạng thấp nhưng thu hút đầu tư ở Việt Nam vẫn luôn sôi động.
Đánh giá về sự hồi phục kinh tế của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam là một trong số ít ỏi các nước có khả năng phục hồi tốt với tốc độ tăng trưởng dương 5% - một con số mơ ước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. "Việt Nam đang ở vị thế tương đối vững so với các nước, và để thúc đẩy quá trình phục hồi xảy ra nhanh hơn, Chính phủ cần tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính. Điều này rất quan trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn để đưa Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn, lấy lại được tốc độ tăng trưởng trước đây, thậm chí là tăng trưởng nhanh hơn", bà Victoria Kwakwa nói.