Việt Nam và Hàn Quốc - đối tác toàn diện trong thế kỷ 21

Việt Nam và Hàn Quốc - đối tác toàn diện trong thế kỷ 21
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (12/1992) đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc luôn duy trì trao đổi đoàn cấp cao và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển.

Năm 2001, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Kim Dae-Jung đã nhất trí nâng cấp quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước lên mức “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”.

Tháng 2/2008, Tổng thống Hàn Quốc No Mu-hyeon trao tặng Huân chương Quang Hoa hạng nhất, Huân chương cao quý của Chính phủ Hàn Quốc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vì những đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc tháng 5/2009 vừa qua, Thủ tướng hai nước đã thỏa thuận sẽ nâng cấp quan hệ hai nước lên mức “Đối tác hợp tác chiến lược”. Hàn Quốc ủng hộ đường lối mở cửa, cải cách của Việt Nam, hợp tác tích cực với Việt Nam trên trường quốc tế và ủng hộ ta gia nhập nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế (APEC, WTO, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an…).

Hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 2 về đầu tư trực tiếp với hơn 20 tỷ USD (tính đến tháng 7/2009).

Gần đây, cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc chuyển dịch theo hướng chú trọng hơn đến lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp nặng; đã xuất hiện một số dự án quy mô lớn như dự án xây dựng khu liên hợp luyện, cán thép của tập đoàn Posco, dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây của tổ hợp 5 công ty xây dựng Hàn Quốc, dự án khu đô thị Bắc An Khánh của liên doanh Posco-Vinaconex.

Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 4 với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 lần đầu tiên đạt gần 10 tỷ USD, tăng gần 35% so với năm 2007.

Việt Nam xuất khẩu 1,78 tỷ USD, nhập khẩu 7 tỷ USD. Hàn Quốc là một trong 6 thị trường Việt Nam nhập siêu nhiều nhất. Năm 2008 là 5,28 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch nhập siêu của Việt Nam. Hai nước đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật.

Về viện trợ ODA, Việt Nam vẫn là một ưu tiên của Hàn Quốc. Năm 2006, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tăng lên mức 100 triệu USD/năm, viện trợ không hoàn lại 9,5 triệu USD/năm trong giai đoạn 2006 - 2009.

Tại hội nghị Các nhà tài trợ (CG) 2007, Hàn Quốc đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 286 triệu USD trong năm 2008 (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2007, trở thành quốc gia tài trợ ODA lớn thứ 2). Đầu tháng 8/2008, hai bên ký thỏa thuận khung về việc Hàn Quốc cung cấp 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi EDCF trong giai đoạn 2008 - 2011.

Với cam kết này, Hàn Quốc trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Pháp) và Việt Nam là nước nhận hỗ trợ phát triển nhiều nhất của Hàn Quốc. Tổng ODA từ 1991 - 2008 là 745 triệu USD. Viện trợ không hoàn lại giai đoạn 1991-2008 là 79,4 triệu USD.

Hai bên đã ký nhiều hiệp định quan trọng trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, viện trợ, văn hóa, hải quan, vận tải, du lịch, tư pháp... góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước.

Về hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ ba của Việt Nam với khoảng hơn 55.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Ngày 25/5/2004, hai bên ký thỏa thuận mới về đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo Luật cấp phép lao động (EPS) của Hàn Quốc.

Những năm gần đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những thị trường cung cấp nguồn khách du lịch trọng điểm của Việt Nam: Năm 2007 là 475.000 lượt; năm 2008 do khủng hoảng kinh tế nên con số này giảm xuống còn 450.000 lượt; 8 tháng của năm 2009, con số này là gần 260.000 lượt.

Về văn hóa-giáo dục, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn văn hóa-nghệ thuật, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh. Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội.

Bộ Giáo Dục Việt Nam đã chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược thông tin trong giáo dục-đào tạo. Chính phủ, các trường đại học và các tổ chức của Hàn Quốc tài trợ nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục Việt Nam như dự án xây dựng trường tiểu học, trường dạy nghề ở miền Trung.

Các quỹ học bổng như Korea Foundation, Samsung, Kumho... cung cấp nhiều suất học bổng để hỗ trợ các học sinh vượt khó tại Việt Nam, đào tạo nâng cao trình độ về ngôn ngữ và chuyên môn tại Hàn Quốc.

Hiện có khoảng 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc. Việt Nam đã thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc và Hàn Quốc đã thành lập Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam. Hai bên cũng đều thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị.

Chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-bak diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển nhanh và toàn diện trên nhiều lĩnh vực theo khuôn khổ quan hệ “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” được thiết lập từ năm 2001.

Hai bên cũng đã thỏa thuận sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới vào thời gian thích hợp. Hàn Quốc liên tục là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc nhằm tiếp tục duy trì tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch, lao động, khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục đồng thời trao đổi những vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.