Việt Nam vượt qua hai cú sốc kinh tế
Đây được xem là dự báo lạc quan nhất về nền kinh tế Việt Nam từ các định chế tài chính, tổ chức nước ngoài trong những tháng gần đây. Theo báo cáo, Việt Nam đứng thứ hai khu vực về tăng trưởng GDP năm 2009 và chỉ sau Trung Quốc (6,5 phần trăm); trong khi những đối thủ như Thái Lan tăng trưởng âm 2,7 phần trăm; Malaysia cũng tăng trưởng âm một phần trăm và Philippines 1,9 phần trăm.
Mặt khác, cũng theo WB, nếu so sánh GDP năm 2007 với mức dự báo 2009, VN là một trong những nền kinh tế ít biến động nhất với mức chênh lệch là ba phần trăm (8,5 phần trăm xuống còn 5,5 phần trăm). Trong khi đó, chênh lệch GDP của Trung Quốc trong hai năm kể trên lên tới 6,5 phần trăm, Malaysia với 7,3 phần trăm, Campuchia lên tới 11,2 phần trăm và mức chung của toàn khu vực là 6,1 phần trăm.
Tăng trưởng vẫn ở mức cao, đồng thời duy trì được tính bền vững, ổn định là điều các chuyên gia WB xem như một điểm sáng của VN trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu với nhiều biến động.
Theo WB, nhờ những chuyển hướng nhanh, quyết liệt trong chính sách của Chính phủ vào tháng 3 và tháng 11/2008, VN đã vượt qua hai cú sốc: Kinh tế tăng trưởng quá nóng từ cuối 2007 khiến lạm phát tăng tốc, bong bóng bất động sản, thâm hụt thương mại tăng; Khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia hàng đầu của WB đánh giá, dù chưa có kinh nghiệm đối mặt với những biến động gây nên bởi sự hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, Chính phủ VN đã chèo lái nền kinh tế khá tốt.
WB cũng nhận định nguy cơ khủng hoảng tài chính, cán cân thanh toán ở VN chỉ ở mức thấp. Trên lĩnh vực tài chính, theo báo cáo, tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu không đáng kể do các ngân hàng VN không tiếp cận các sản phẩm độc hại và mối quan ngại về những khoản cho vay đầu tư bất động sản cũng giảm dần. Theo các chuyên gia WB, khả năng giảm giá thực tế đồng tiền Việt Nam năm 2009 là thấp và Chính phủ đang từng bước áp dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.
Về cán cân thanh toán, WB viện dẫn rằng thâm hụt thương mại trong sáu tháng qua chỉ 2,2 tỷ USD, trong khi luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ chính thức (ODA) cùng kiều hối đạt 16 tỷ USD.
Về khả năng giải ngân ODA năm 2009 sẽ chậm lại, WB cho rằng chưa có bằng chứng để khẳng định. Liên quan đến sự sụt giảm trong xuất khẩu, báo cáo đánh giá VN bị ảnh hưởng ít hơn các nước khác nhờ khả năng cạnh tranh tốt, thông qua việc tăng trưởng thị phần. Vì thế báo cáo dự báo thâm hụt thương mại ở VN sẽ giảm dần và chuyển sang thặng dư nhỏ.
Liên quan đến việc triển khai các gói kích cầu của Chính phủ VN trong năm 2009, WB khuyến nghị sẽ hiệu quả hơn nếu tăng nhu cầu qua việc hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình và thực hiện các dự án đầu tư công.