Việt Nam xuất siêu sau 20 năm
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, với kim ngạch xuất khẩu tháng cuối năm ước đạt 10,4 tỷ USD, năm 2012, cả nước xuất khẩu được 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Trong khi đó, với kim ngạch nhập khẩu tháng 12/2012 ước ở mức 10,6 tỷ USD, cả năm, cả nước nhập khẩu 114,3 tỷ USD.
Với kết quả này, năm 2012, Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD. Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu kể từ năm 1993. Điều đáng lưu ý, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu tới 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm gia công lắp ráp, thì khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu tới 11,7 tỷ USD.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp (Tổng cục Thống kê), tăng trưởng xuất khẩu năm nay chủ yếu nhờ vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu tính cả dầu thô, khu vực này xuất khẩu 72,3 tỷ USD trong năm nay, tăng 31,2% so với năm ngoái. Còn nếu không tính dầu thô, con số này là 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước.
Trong năm 2012, theo Tổng cục Thống kê, có nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, như điện tử máy tính (7,9 tỷ USD, tăng 69,15); điện thoại và linh kiện (12,6 tỷ USD, tăng 97,7%); máy móc, thiết bị, phụ tùng (5,5 tỷ USD).
Nhiều nhóm hàng nông sản cũng tăng khá về lượng xuất khẩu, như sắn và sản phẩm sắn – tăng 55,2%; cà phê tăng 37,9%, cao su tăng 23,8%; gạo tăng 13,1%... Năm nay là năm đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, tương đương 3,7 tỷ USD.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, loại trừ năm 2009, thì mức tăng kim ngạch nhập khẩu năm nay đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây. Điều này cho thấy sản xuất - kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn.
Năm nay, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ gia công, lắp ráp tăng rất mạnh. Chẳng hạn, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 66,8%; vải đạt 7 tỷ USD, tăng 4,7%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 7,9%...
Trong khi đó, nhập khẩu một số nguyên liệu phục vụ sản xuất lại tăng thấp, hoặc giảm cả về lượng và giá trị. Cụ thể, hóa chất – 2,8 tỷ USD, tăng 2,3%; sản phẩm hóa chất – 2,5 tỷ USD, tăng 2,9%; phân bón – 1,6 tỷ USD, giảm 7,9%; sắt thép – 6 tỷ USD, giảm 7%...