Vĩnh Long rộng cửa đón nhà đầu tư
Nhiều lợi thế thu hút đầu tư
Nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, giữa hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang, cùng với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, phân bố tương đối đồng đều đã làm cho Vĩnh Long trở thành đầu mối giao thông nối liền giữa các vùng trong khu vực và quốc tế thông qua các cửa biển: Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An... Lợi thế này đã tạo cho Vĩnh Long có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong vùng, Vĩnh Long có lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa thích hợp nuôi trồng thủy sản, trồng lúa và nhiều loại cây trái đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với vùng nguyên liệu 1 triệu tấn lúa; 0,5 triệu tấn trái cây và 200.000 tấn thủy sản/năm, Vĩnh Long sẽ là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư chế biến nông sản.
Bên cạnh đó, Vĩnh Long còn được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, như gạch ngói, gốm sứ, chầm nón, đan lát, dệt chiếu… đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Vĩnh Long còn nổi tiếng với loại hình du lịch miệt vườn, du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử, như Văn Thánh Miếu, Văn Xương Các, chùa Tiên Châu, đền Công Thần, Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…
Vĩnh Long còn được xem là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực ở ĐBSCL với 3 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 16 trung tâm dạy nghề và 2 trung tâm giới thiệu việc làm với quy mô đào tạo hàng ngàn sinh viên mỗi năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực tại địa phương.
“Đất lành” cho nhà đầu tư
Ông Đặng Quang Tấn, Phó trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Long cho biết, giai đoạn 2011-2013, Ban Quản lý các KCN đã tiếp xúc và làm việc với 61 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, cấp mới 11 giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư (có 4 nhà đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư 712,1 tỷ đồng và 19,3 triệu USD, diện tích đất công nghiệp cho thuê tăng thêm 18,3 ha.
Riêng 9 tháng đầu năm 2014, Ban đã tiếp xúc và làm việc với 21 nhà đầu tư đến tìm hiểu KCN Hòa Phú II, KCN Bình Minh, gồm các ngành nghề, như sản xuất giày thể thao; may mặc, dệt, nhuộm; chế biến thực phẩm; may túi xách, bột giặt... Kết quả là, cấp mới 3 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 675 tỷ đồng, diện tích đất thuê tăng thêm 13,33 ha.
Hiện tại, các KCN và Tuyến công nghiệp Cổ Chiên tỉnh Vĩnh Long đã thu hút 36 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.191 tỷ đồng và 112,3 triệu USD với tỷ suất đầu tư trung bình là 37 tỷ đồng/ha. Các doanh nghiệp trong các KCN, tuyến công nghiệp đã góp phần tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động, đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghiệp, 50% kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách mỗi năm hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, các khu - tuyến công nghiệp cũng đã tạo điều kiện và thúc đẩy sự đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, như giao thông, chợ, bệnh viện, trường học, nhà văn hóa và các dịch vụ khác (bưu chính - viễn thông, ngân hàng, nhà cho thuê…), đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo nên những vùng kinh tế năng động, đời sống và thu nhâp một bộ phận dân cư ổn định và phát triển.
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp xúc, làm việc với hơn 45 lượt nhà đầu tư, trong đó có 12 lượt đầu tư nước ngoài gồm các nước và vùng lãnh thổ, như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nauy và Nhật Bản. Sau khi đàm phán, có 11 dự án đã được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng; trong đó, có 3 dự án FDI với vốn đầu tư 33,1 triệu USD.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện thủ tục đối với một số dự án, như Nhà ở xã hội thuộc Dự án Khu tái định cư Bắc Mỹ Thuận giai đoạn II tại xã Tân Ngãi (TP. Vĩnh Long) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đông Đô miền Nam và Dự án Khu du lịch Trường Huy tại xã Trường An (TP. Vĩnh Long) của Công ty TNHH một thành viên Xây dựng thương mại và khách sạn Trường Huy, Dự án Cụm công nghiệp Trường An tại xã Trường An (TP. Vĩnh Long); Dự án Trung tâm Thương mại Tân Quới tại xã Thành Đông (huyện Bình Tân); Dự án Du lịch sinh thái Bãi bồi Cồn chim tại TP. Vĩnh Long; Dự án Trung tâm thương mại “Nhà phố”, phường 8 (TP. Vĩnh Long) và Dự án Sản xuất nấm Mỡ tại huyện Tam Bình.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 2 KCN là Hòa Phú và Bình Minh cùng tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã đi vào hoạt động. Trong đó, KCN Hòa Phú giai đoạn I (121 ha) đã được lắp đầy; giai đọan II (130 ha) đã có hơn 30 ha đất công nghiệp hoàn thiện hạ tầng sẵn sàng mời gọi đầu tư. Nhà máy xử lý nước thải 4.000 m3/ngày của KCN này cũng đã đi vào hoạt động ổn định. KCN Bình Minh có diện tích hơn 131 ha đã lắp đầy khoảng 50% diện tích, nhà máy xử lý nước thải đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị. Giá cho thuê đất công nghiệp tại 2 KCN này hiện dao động trong khoảng 30 - 45 USD/m2, thấp hơn so với nhiều KCN khác trong vùng. Đây cũng là lợi thế để thu hút đầu tư.
Nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, tỉnh Vĩnh Long đã quy hoạch 3 KCN và đã được Thủ tướng Chính phủ ưu tiên thành lập mới đến năm 2020 (KCN Đông Bình 350 ha, KCN Bình Tân 400 ha, KCN An Định 200 ha). Năm 2015, tỉnh Vĩnh Long nỗ lực thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách khoảng 3.500 tỷ đồng, nâng tỷ lệ lắp đầy các KCN hiện hữu lên hơn 70%, tạo điều kiện cho năm 2016 xúc tiến thành lập thêm một khu công nghiệp mới.
Ông Phạm Thành Khôn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Bên cạnh điều kiện thuận lợi vị trí địa lý, đất đai, nguồn nguyên liệu, nhân lực…, tỉnh Vĩnh Long cũng đặc biệt coi trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư và luôn luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng trong sự phát triển của địa phương. Trên cơ sở đó, địa phương luôn dành những ưu đăi tốt nhất cho nhà đầu tư”.