Xác định “tọa độ” đầu tư

Để hạn chế tình trạng này, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần phải lựa chọn “tọa độ” tập trung nguồn lực đầu tư.

Ông có thể khái quát về thực trạng cạnh tranh nguồn lực đầu tư giữa “63 nền kinh tế” hiện nay?

Chỉ cần nhìn vào sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ thấy rõ điều này. Hiện cả nước có 15 khu kinh tế ven biển, hơn 280 khu công nghiệp, 27 khu kinh tế cửa khẩu, 700 cụm công nghiệp trải rộng ra tất cả các địa phương. Trong đó, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp được xây dựng trong thời gian ngắn, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách có hạn, nên đã xảy ra tình trạng tranh giành nguồn vốn quyết liệt giữa các địa phương được quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế.

Khi khu kinh tế, khu công nghiệp hình thành lại xảy ra tình trạng cạnh tranh thu hút đầu tư để nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích đã đầu tư. Với tổng diện tích khu công nghiệp, khu kinh tế như hiện nay, cần số vốn hàng ngàn tỷ USD mới có thể lấp đầy diện tích hiện có, trong khi nguồn lực trong nước hạn chế, nên sự cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn nữa.

Bức tranh đầu tư trong tương lai sẽ thế nào, thưa ông?

Theo bức tranh chung về đầu tư công vào sân bay, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, quốc lộ, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, thực hiện quy hoạch Hà Nội… trong giai đoạn 2011 – 2020, thì mỗi năm, ít nhất phải đầu tư gần 15 tỷ USD (chưa tính đến yếu tố trượt giá). Đây thực sự là số tiền khổng lồ, vì quy mô nền kinh tế của nước ta chỉ đạt 130 tỷ USD. Điều này cho thấy nguy cơ thiếu vốn rất rõ ràng. Một khi đã thiếu vốn, thì dự án sẽ bị kéo dài thời gian thi công, xảy ra tranh chấp nguồn lực giữa các ngành, các địa phương. Nhà nước không đủ nguồn lực, dù chỉ để “mồi”, để “trang trải” cho các dự án đang được triển khai. Kết cục là sự làng phí, thất thoát và tụt hậu.

Vậy phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?

Với quy mô nền kinh tế 130 tỷ USD, liệu Việt Nam có cần tới 100 cảng biển, trong đó có 20 cảng quốc tế hay không? Liệu có cần tới 28 sân bay, trong đó có 8 sân bay quốc tế hay không? Trong khi đó, Nhật Bản có quy mô nền kinh tế 5.000 tỷ USD, nhưng họ chỉ có 4 sân bay quốc tế; hay Australia có quy mô nền kinh tế 1.230 tỷ USD, nhưng họ cũng chỉ có 2 sân bay quốc tế. Như vậy, nếu chúng ta cứ cố đầu tư thì sẽ dẫn tới lãng phí. Do đó, cần phải mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư chưa thật sự cần thiết bằng cách lựa chọn đầu tư trên cơ sở xác định “tọa độ” đầu tư.

Xác định toạ độ bằng cách nào, thưa ông?

Xây dựng thứ tự đầu tư các công trình, dự án theo thời gian, đầu tư theo lộ trình; xây dựng vùng kinh tế trọng điểm ưu tiên đầu tư. Từ đó xác định ra “tọa độ” đầu tư, nhưng trong vùng “tọa độ” đầu tư không phải là đầu tư toàn bộ, mà tiếp tục lựa chọn địa điểm cụ thể để đầu tư dựa trên thế mạnh của địa phương, của vùng kinh tế. Khi đã lựa chọn được cụ thể địa điểm cần đầu tư, thì phải đầu tư đồng bộ, đột phá, tạo đà để thúc đẩy kinh tế của cả một vùng, có tính chất lan tỏa làm đầu tàu kéo kinh tế của cả khu vực rộng lớn hơn. Còn nếu cứ tiếp tục đầu tư theo kiểu “bôi” ra, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay; tỉnh ven biển nào cũng phải đầu tư bằng được cảng nước sâu, khu kinh tế ven biển, thì không nguồn lực nào có thể đáp ứng nổi.

Xác định địa điểm để tập trung đầu tư khá “nhạy cảm”, nếu được lựa chọn, ông sẽ lựa chọn tọa độ nào?

Đúng là việc lựa chọn “tọa độ” đầu tư khá nhạy cảm, nhưng nếu đưa ra được tiêu chí cụ thể, như tọa độ đầu tư phải bảo đảm nối liền với kinh tế khu vực và thế giới, có điều kiện để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt… Nếu căn cứ theo tiêu chí này, tôi nghĩ, ngoài Hà Nội, TP.HCM, cần phải có cơ chế phù hợp và tập trung đầu tư vào khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng - Quảng Ninh, Đà Nẵng - Chân Mây (Thừa Thiên Huế).