Xét duyệt thủ tục đầu tư dự án ngắn hơn

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án đầu tư xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/2008 thí điểm một số thủ tục cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15-1.

Trước đây, muốn lập dự án đầu tư khu công nghiệp (KCN), khu đô thị (KĐT), dân cư... nhà đầu tư phải đợi đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 được phê duyệt, phải năm lần bảy lượt chờ hướng dẫn, một dự án muốn được thẩm định phê duyệt phải mất vài tháng, thậm chí vài năm... Với Nghị quyết 33, tất cả những điều đó đã được chấm dứt. “Nghị quyết 33 là “ngòi nổ” phá vỡ bức tường thủ tục đầu tư dự án phiền hà và phức tạp từ nhiều năm qua” - ông Trần Chí Dũng, Quyền Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM, đánh giá.

Nhà đầu tư được tự lập quy hoạch

Theo Nghị quyết 33, đối với dự án KĐT mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật công nghiệp (sau đây gọi chung là dự án đầu tư), trong trường hợp đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa có đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được duyệt thì UBND tỉnh, TP được phép giao cho nhà đầu tư lập quy hoạch và trình duyệt theo quy định mà không cần có đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 được phê duyệt như trước đây.

Đơn vị cấp phép có trách nhiệm giao nhiệm vụ, các nội dung và chỉ tiêu kiến trúc-quy hoạch cho nhà đầu tư để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch cũng như thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đồng thời có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện lập quy hoạch theo quy định. Nhà đầu tư được giao lập quy hoạch sẽ được ưu tiên giao làm chủ đầu tư dự án.

Đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/2.000 nhưng khi lập quy hoạch dự án chi tiết 1/500, nhà đầu tư có những đề xuất khác với quy hoạch 1/2.000 đã phê duyệt, cơ quan thẩm quyền xem xét, thẩm định đề xuất đó, nếu thấy phù hợp thì ra văn bản chấp thuận.

Rút ngắn thời gian tối đa

Nghị quyết 33 quy định, cơ quan thẩm định quy hoạch có trách nhiệm xem xét và trả lời về sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ trong thời gian năm ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì cơ quan thẩm định phải hướng dẫn trong một lần bằng văn bản để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng không quá 30 ngày làm việc.

Một điểm mới trong nghị quyết là khi lập dự án, nhà đầu tư có thể không cần phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 mà chỉ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 phù hợp với quy mô diện tích khu đất. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến các ngành có liên quan để thẩm định, phê duyệt quy hoạch trong vòng 30 ngày làm việc. Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu thay đổi lớn làm thay đổi nội dung quy hoạch, cơ quan thẩm định dự án phối hợp với nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nhưng không được kéo dài quá 30 ngày.

“Những quy định trong Nghị quyết 33 đã tháo gỡ nhiều ách tắc về thời gian cho dự án đầu tư” - ông Nguyễn Tấn Bền - Giám đốc Sở Xây dựng TP nhận xét.

Nhiều thủ tục lồng ghép

Trước đây, dự án đầu tư phải lập riêng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Với Nghị quyết 33, việc đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời khi thẩm định quy hoạch dự án chi tiết tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm về việc bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường.

Trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo Nghị quyết 33, chỉ cần cấp cho chủ sở hữu nhà ở và công trình xây dựng gắn liền với đất, không nhất thiết phải cấp “sổ đỏ” cho toàn bộ dự án cho chủ đầu tư cấp I. Việc nộp tiền sử dụng đất không cần phải nộp cho toàn bộ dự án mà theo tiến độ thực hiện dự án. Thời điểm bắt đầu phải nộp tiền sử dụng đất từ khi chủ đầu tư được phép huy động vốn của khách hàng. Đối với dự án đã giải phóng mặt bằng, sau ba tháng giao đất, chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất. Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, việc lồng ghép về thủ tục đánh giá tác động môi trường và cấp quyền sử dụng đất theo tiến độ thực hiện đầu tư đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và xóa bỏ những điều bất hợp lý trong quản lý.

Việc dự án đầu tư phải lập thủ tục thỏa thuận chiều cao cho từng công trình như trước đây cũng đã bị xóa bỏ. Theo đó, cơ quan quốc phòng có ý kiến về chiều cao chung cho toàn bộ dự án khi tham gia thẩm định quy hoạch xây dựng.

Theo Nghị quyết 33, đối với các dự án đầu tư khu công nghiệp, nhà ở, đô thị mới trong nước chỉ thực hiện đăng ký đầu tư mà không cần cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.