Xu hướng thu hút FDI năm 2009
GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI), đã điểm lại các con số thống kê về tình hình thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua với mức tăng trưởng nhảy vọt. Nếu như năm 2006, vốn FDI thực hiện là 4,1 tỷ USD, vốn đăng ký là 12 tỷ USD, thì năm 2007, các con số này đã được tăng gấp đôi. Trong 9 tháng đầu năm 2008, vốn thực hiện đạt 8,1 tỷ USD, bằng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2007, và vốn đăng ký đã lên đến 57 tỷ USD - gấp 5 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, xu hướng thu hút FDI có được tiếp diễn trong năm 2009 hay không là vấn đề cần được nghiên cứu cả ở tầm vĩ mô và vi mô. “Tôi cho rằng, hoạt động FDI của nước ta trong năm 2009 chịu tác động của hai nhân tố: tình hình trong nước và sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các tập đoàn kinh tế toàn cầu.
Có thể, các tập đoàn này sẽ tạm thời thu hẹp phạm vi, đình hoãn một số dự án không có khả năng thu xếp tín dụng. Khi đó, không ít dự án FDI trong nước có nguy cơ bị giãn tiến độ, thu hẹp quy mô”, ông Nguyễn Mại phân tích và đưa ra nhận định, có thể trong năm 2009, vốn FDI vào Việt Nam sẽ giảm.
Vẫn theo ông Nguyễn Mại, cuộc khủng hoảng nào rồi cũng sẽ kết thúc, nhưng khi nào chấm dứt thì rất khó dự đoán. Chỉ có thể nói rằng, năm 2009, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại. Do vậy, với Việt Nam, việc cần làm là đánh giá đúng tác động của cuộc khủng hoảng trong điều kiện nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Rút kinh nghiệm từ hậu quả của cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, Việt Nam cần nghiên cứu bài bản để nhận dạng đầy đủ tác động của khủng hoảng, đề ra các giải pháp đồng bộ và phối hợp với các nước khác thực hiện các giải pháp chung. Đồng thời, phải xem xét khách quan tình hình đất nước, nhất là hoạt động tín dụng của các ngân hàng, đặc biệt là những khoản tín dụng bất động sản.
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng tình với nhận định của GS.TSKH Nguyễn Mại về việc phải đánh giá đúng tác động của cuộc khủng hoảng trong điều kiện nước ta, để từ đó đưa ra được những giải pháp khắc phục. Song ở góc độ thu hút FDI, ông Thắng cho rằng, thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2009 sẽ vẫn khả quan.
Theo ông Thắng, với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, không quốc gia nào không bị ảnh hưởng, nhưng tùy vào điều kiện và hoàn cảnh từng quốc gia mà mức độ ảnh hưởng khác nhau. “Đối với Việt Nam, chúng ta có những đặc thù riêng. Hiện nay, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế.
Điều này thể hiện thông qua kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2008: chỉ tính trong 10 tháng, Việt Nam đã thu hút được hơn 59 tỷ USD và khả năng vốn giải ngân đạt trên 11 tỷ USD. Đây là hai con số lớn nhất từ trước đến nay. Mặc khác, chúng ta đang có "dư địa" giữa vốn đăng ký với vốn thực hiện khá lớn, với khoảng 90 tỷ USD. Đây là nguồn vốn mà chúng ta cần khai thác trong gian tới”, ông Thắng phân tích.
Cũng theo ông Thắng, qua thăm dò khả năng đầu tư tiếp của các nhà đầu tư cho thấy, họ có quyết tâm đầu tư cao, vì các dự án mà họ được cấp phép có tính khả thi cao và sẽ mang lại lợi nhuận cho họ trong tương lai. Đồng thời, các nhà đầu tư này cũng đánh giá rằng, khó khăn hiện tại của Việt Nam chỉ là khó khăn tạm thời và trong trung và dài hạn, họ vẫn tiếp tục đổ vốn vào. Trong khi đó, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương xem việc giải ngân vốn FDI là một nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
“Dự báo trong bối cảnh hiện nay hết sức khó khăn và khó chính xác. Song dựa trên những thực tiễn, thông tin nhận được cũng như những đánh giá của các tổ chức tài chính, các chuyên gia kinh tế, chúng tôi mạnh dạn đưa ra các kịch bản về thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
Theo đó, nếu chúng ta quyết tâm nhắm vào các đối tác lớn và xử lý các quan điểm về thu hút các dự án đầu tư vào các dự án lớn thì có thể tiếp tục duy trì được kết quả như trong năm 2008. Còn nếu chỉ dựa vào các dự án tiềm năng như hiện nay thì thu hút vốn FDI sẽ giảm so với năm 2008, nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng như trong năm 2006 và tỷ lệ vốn giải ngân sẽ vẫn giữ được như trong năm 2008, khoảng 11 - 12 tỷ USD”, ông Thắng cho biết.