Xuất khẩu: Cá thừa, tôm thiếu
Thị trường Nga: không như kỳ vọng
Giữa năm nay, sau khi có thông tin Nga mở cửa lại thị trường cá tra cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hàng loạt những con số dự báo về sản lượng xuất khẩu cá tra sang Nga năm nay khi thì 70.000 tấn, lúc lên tới 120.000 tấn, như dấy lên hy vọng cho con cá tra trong tình cảnh thị trường tiêu thụ thủy sản thế giới giảm mạnh bởi kinh tế khó khăn.
Hơn nữa lúc ấy, với nhiều doanh nghiệp, Hiêp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam lẫn các quan chức ngành nông nghiệp, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động xấu tới thủy sản Việt Nam nhưng con cá tra thì ngoại lệ. Các chuyên gia thủy sản giải thích rằng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong khi con cá tra có giá thấp, hợp với túi tiền của người tiêu dùng ở nhiều thị trường.
Thế nhưng hiện nay, trong khi một số thị trường đang khởi sắc trở lại thì xuất khẩu sang Nga và Ucraina - vốn là 2 thị trường trọng điểm của cá tra Việt Nam trong năm 2008 lại giảm tới mức mà nhiều doanh nghiệp cho là “tụt dốc không phanh”.
Trong tháng 10 qua, thị trường Nga chỉ mua có 400 tấn cá tra, trị giá 0,6 triệu đô la Mỹ, giảm đến 95% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với gần 8.000 tấn của tháng trước.
Nói không ngoa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra xem thị trường Nga là "niềm hy vọng" cho cả ngành thủy sản đang ảm đạm trong năm nay. Nhưng trái với dự báo, sau khi được mở cửa trở lại, xuất khẩu cá tra vào Nga giảm gần như “rơi tự do”, là nguyên nhân chính khiến cá tra 10 tháng năm nay xuất khẩu chỉ đạt 500.000 tấn, giá trị 1,12 tỉ đô la Mỹ, giảm 10% giá trị so với cùng kỳ.
Giữa năm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự báo cá tra xuất khẩu có thể đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ nhưng bây giờ, nhiều doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu được 1,2-1,3 tỉ đô la Mỹ là mừng lắm rồi.
Chủ trại cá méo mặt
Nông dân nuôi cá đang méo mặt vì giá cả giảm-Ảnh: Hồng Văn. |
Xuất khẩu cá tra giảm, lượng tồn kho cá đã qua chế biến của các doanh nghiệp nhiều nên trong tháng 11 này, giá cá tra nguyên liệu trong nước gần như giảm mạnh, thậm chí doanh nghiệp không muốn mua. Theo nhiều chủ trại nuôi cá lớn ở Đồng Tháp thì giá cá mà doanh nghiệp chào mua chỉ 14.500-14.800 đồng/kg.
Ông Cao Văn Nhã, chủ trại nuôi cá ở Đồng Tháp tính toán chỉ riêng chi phí thức ăn hiện đã lên 12.500 đồng/kg cá, cùng với tiền giống, công chăm sóc, điện nước thì giá thành nuôi cá quy mô trang trại (quy mô nhỏ lẻ có giá thành cao hơn nữa) lên 14.500 đồng/kg, ngang với giá mua cá của nhà máy.
Tuy nhiên, “giá mua cá mà các nhà máy đưa ra phần nhiều nông dân nuôi cá bị lỗ nặng, bởi chúng tôi chưa tính lãi vay ngân hàng, rồi hao hụt sản lượng cá 15-20%”, ông Nhã cho hay.
Điều làm ông Nhã và nhiều chủ trại nuôi cá bức xúc là giữa năm nay, các doanh nghiệp lẫn chuyên gia thể hiện trên báo chí đều dự báo cá tra sẽ có nguy cơ thiếu nguyên liệu vào cuối năm do xuất khẩu trên đà thuận lợi, nên nhiều hộ nuôi cá “treo ao, bỏ hầm” do thua lỗ trong năm ngoái cũng cố gắng vay mượn vốn để nuôi trở lại.
Phía doanh nghiệp thì lý giải giá mua thấp là do đầu ra đang thu hẹp, thị trường Nga không như mong đợi và vì vậy, các doanh nghiệp phải ưu tiên giải phóng cá đã chế biến đang tồn kho đông lạnh.
Tôm lại tăng giá
Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,488 tỉ đô la Mỹ, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cá dự báo thiếu thì nay xem như thừa, tôm đầu năm dự báo thừa, giá giảm thì nay lại thiếu trầm trọng. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, gần nửa tháng nay lượng tôm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản khu vực ĐBSCL sụt giảm trầm trọng.
Công ty TNHH Kim Anh ở Sóc Trăng, một nhà xuất khẩu tôm lớn, trước đây mỗi tháng mua được 50 tấn tôm nguyên liệu, nay chỉ còn 10 tấn mà giá tôm tăng thêm 15.000-20.000 đồng/kg. Theo đó, loại tôm 20 con/kg tăng lên đến 150.000 đồng/kg; loại 30 con có mức giá 110.000-120.000 đồng/kg; loại 40 con, có mức giá 90.000 đồng/kg, tăng trung bình 15.000-20.000 đồng so với tháng 10.
Lý do thì khá đơn giản, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng tăng trong khi diện tích tôm chưa thu hoạch ở ĐBSCL còn ít mà các nhà máy thì đẩy mạnh thu mua để chế biến giao hàng cho mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch.
Cũng như cá, năm ngoái nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ nên năm nay diện tích tôm giảm, lại không nhận được thông tin dự báo tích cực nào nên diện tích thả nuôi của nông dân không đáp ứng nhu cầu. Ông Huỳnh Thanh Tân, Giám đốc Công ty Cases ở Cà Mau còn cho rằng tôm nuôi đã thiếu, thời tiết xấu cũng làm lượng tôm đánh bắt sụt giảm. Tại công ty Cases, tôm thu mua chỉ đáp ứng 60% nhu cầu chế biến.