3 phương án mới điều hành giá xăng dầu

3 phương án mới điều hành giá xăng dầu

Sáng ngày 29//7, Bộ Công thương và Bộ Tài chính tổ chức tổ chức hội thảo góp ý về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Việc ra đời dự thảo này kỳ vọng cho việc thay đổi những điểm bất cập của Nghị định 55 không còn phù hợp với thực tiễn.

Mở rộng điều kiện kinh doanh xăng dầu

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh nghị định sửa đổi này mở rộng đối tượng được kinh doanh xăng dầu.

Trước đây chỉ doanh nghiệp nhà nước là được kinh doanh xăng dầu, nhưng hiện nay tất cả các doanh nghiệp, miễn là đáp ứng được 1 số điều kiện là có thể kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể theo dự thảo Nghị đinh về kinh doanh xăng dầu thì điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải đảm bảo:

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu;

- Có cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, đảm bảo tiếp nhận được tầu chở xăng dầu nhập khẩu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiếu 7000T thuộc sở hữu hoặc thuê dài hạn từ 05 năm trở lên.

- Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000m3 để trực tiếp nhận xăng dầu từ tầu chở dầu và phương tiện vận rảu khác, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sở dụng dài hạn từ 05 năm trở lên.

- Có phương tiện vận chuyển xăng dầu chuyên dụng hoặc đồng sở hữu hoặc cho thuê sử dụng dài hạn 05 năm trở lên.

- Có hệ thống phân phối xăng dầu tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu và hệ thống đại lý tối thiếu 4- đại lý bán lẻ xăng dầu.

Theo ông Tú, việc đưa nội dung này vào dự thảo nghị định là thể chế hóa việc đã thực hiện từ cuối năm trước.

3 phương án điều hành giá xăng dầu

Về phương pháp điều hành giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Việt Nam bước đầu thực hiện cơ chế giá thị trường đối với xăng dầu nhưng thị trường có sự điều tiết của Nhà nước nên chưa thể áp dụng cơ chế giá để thị trường lên xuống hàng ngày như các nước. Ông Thỏa đưa ra 3 phương án điều hành giá cho Nghị định mới.

Với phương án 1, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải giữ ổn định giá bán lẻ nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng hoặc giảm đến 3% so với giá bán lẻ hẹn hành. Tuy nhiên, nếu các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở tăng từ trên 3%-12%, doanh nghiệp đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ, thời gian giữa 2 lần tăng giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày.

Sau 3 lần tăng giá liên tiếp, nếu giá cơ sở tiếp tục tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Nếu các yếu tố cấu thành làm giá xăng dầu cơ sở giảm từ trên 3%-12% so với giá bán lẻ hiện hành, các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối phải giảm giá bán lẻ, mức giảm không thấp ơn 50% của mức giá cơ sở, thời gian giữa hai lần giảm liên tiếp là tối thiêu 10 ngày.

Nếu giá cơ sở giảm trên 12%, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần giảm giá.

Phương án 2, các đơn vị kinh doanh xăng đầu đầu mối được điều chỉnh theo giá thị trường trong phạm vi đến 10%, nếu trên mức này thì các đơn vị được điều chỉnh mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua Quỹ bình ổn giá; thời gian giữa hai lần điều chỉnh tối thiểu là 20 ngày. Tỉ lệ tăng-giảm giá cơ sở so với giá bán lẻ được tính theo các mốc từ 10% trở xuống, trên 10-15% và trên 15%.

Phương án 3, các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 7%, trên mức này thì thương nhân được điều chỉnh có mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua Quỹ bình ổn giá. 
 
Tỉ lệ các mốc biến động của giá cơ sở để các doanh nghiệp điều chỉnh giá là từ 7% trở xuống, từ 7-12% và trên 12%.

Trong phương án này việc trích quỹ bỉnh ổn giá là khoản trích bắt buộc, coi như một khoản mục chi phí được tính trong cơ cấu giá để hình thành giá bán.

Theo ông Thỏa, cả 3 phương án trên đều có ưu và nhược điểm nhất định. Bộ Tài chính cho rằng phương án 3 là phù hợp trong tình hình quản lý hiện nay.

Giá CIF là giá xăng dầu thành phẩm theo công bố của tờ Plalt’s Singapore được tính bình quân của số ngày dự trữ lưu thông theo quy định công với chi phí phát sinh để đưa xăng dầu về cảng Việt Nam (bảo hiểm, vận chuyển...); tỉ giá ngoại tệ là tỉ giá bình quân thực tế của các NHTM đến thời điểm xác định giá.

Công thức tính giá bán lẻ xăng dầu = giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế TTĐB, rồi tất cả nhân với tỉ giá ngoại tệ, sau đó lấy kết của cộng với thuế VAT, phí xăng dầu, mức trích quỹ bình ổn giá, các loại thuế, lệ phí và các khoản trích nộp khác theo luật định (nếu có), chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức.

Phát biểu tại hội thảo, đa số ý kiến đại biểu cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu thực chất là tiền đóng góp của người tiêu dùng nên việc quản lý giám sát ngoài Bộ Tài chính nên có sự tham gia của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó Tổng thư ký Hiệp hôi Vận tải Ô tô Việt Nam, cho rằng cách tính giá cơ sở trên sẽ dẫn đến tình trạng trên thị trường chỉ có một giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội góp ý thay vì cách tính giá cơ sở nên dùng cách tính giá tối thiểu. Trong đó, giá CIF và các loại chi phí lưu thông được cộng thành giá tối thiểu. Doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá dựa trên mức giá tối thiểu đó, đảm bảo tính minh bạch của giá và giảm bớt cơ chế “xin-cho”.

Về giới hạn tăng giảm, một số đại biểu cho rằng nên điều giới hạn tăng giảm 5% thay vì phương án 3% để tránh sự thay đổi liên tục về giá. Đồng thời nên quy định điều chỉnh giá giữa hai lần tối thiểu là 30 ngày thay vì như hiện nay để tránh nhỏ giọt.