50% lợi nhuận phải nộp về nhà nước, đầu tư “tay trái” không quá 10%?
Dự thảo nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính gấp rút hoàn tất.
Ngoài những quy định về đầu tư kinh doanh ra ngoài doanh nghiệp, đầu tư trái ngành..., hai vấn đề được quan tâm tại dự thảo là các quy định về việc huy động vốn và phân phối lợi nhuận.
50% lợi nhuận phải nộp về nhà nước
Về việc huy động vốn, dự thảo quy định, các doanh nghiệp được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đảm bảo hệ số an toàn nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (thay vì vốn điều lệ) của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn vượt quy định phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải bảo đảm khả năng trả nợ và có hiệu quả.
Đối với việc phân phối lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ vốn của nhà nước đầu tư và vốn doanh nghiệp tự huy động, dự thảo bổ sung: các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bù lỗ các năm trước (nếu có), trích lập quỹ dự phòng tài chính, trích lập quỹ đặc biệt (đối với doanh nghiệp đặc thù nhà nước quy định), lợi nhuận còn lại chuyển nộp 50% về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Số còn lại trích quỹ đầu tư phát triển, quỹ thưởng ban quản lý điều hành và 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định. Trường hợp lợi nhuận còn lại không đủ trích 2 quỹ khen thưởng phúc lợi thì được giảm trừ việc trích vào quỹ đầu tư phát triển.
Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định), sở dĩ quy định như vậy là để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Vì theo nguyên tắc, toàn bộ lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp là thuộc quyền phân phối của chủ sở hữu.
Đầu tư “tay trái” không quá 10%
Dự thảo cũng đưa ra quy định doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư, góp vốn vào những lĩnh vực trái nghề và nhạy cảm như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp.
Mức vốn đầu tư vào từng lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn và tổng mức vốn đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Nếu trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ có các công ty con cùng đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên thì tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ không vượt quá mức 15% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này doanh nghiệp phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ngoài ra, doanh nghiệp có mức vốn đầu tư ra ngoài vượt quá mức quy định trong dự thảo nghị định này hoặc đã đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 1 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải có phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo nguyên tắc bảo toàn vốn đã đầu tư. Trường hợp nếu thực hiện phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo quy định mà không bảo toàn được vốn đầu tư, doanh nghiệp được tiếp tục duy trì mức đầu tư và thực hiện trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư, đồng thời báo cáo chủ sở hữu để theo dõi, giám sát.
Theo quy định cũ (Nghị định 09/2009 của Chính phủ), công ty nhà nước được phép đầu tư “trái ngành” tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Riêng đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Nhưng mức vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, dù tỷ lệ đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm đều không vượt mức quy định. Tuy nhiên, việc siết chặt đầu tư này nhằm để các doanh nghiệp nhà nước tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh chính”.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ: hội đồng thành viên, chủ tịch công ty có quyền quyết định đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tối đa không quá 50% vốn chủ sở hữu. Trường hợp, nguồn vốn đầu tư vượt quá số này phải báo cáo chủ sở hữu xem xét quyết định.
Báo cáo mới đây của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho thấy, có 21/31 doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ đồng.
Trong 6 doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành trên một nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí chiếm vị trí đầu với 6.690 tỷ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ. Tập đoàn Cao su xếp thứ hai với 3.700 tỷ đồng nhưng chiếm tới 19,8% vốn điều lệ. Tập đoàn Điện lực đầu tư ngoài ngành 2.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ…
Lĩnh vực được các doanh nghiệp chuộng rót vốn nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí với 5.636 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 13 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng vốn gần 1.300 tỷ đồng. Có 8 đơn vị đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp, xây lắp với tổng vốn hơn 3.754 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su hơn 1.500 tỷ đồng…
Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn vốn.