60% doanh nghiệp khó khăn do khủng hoảng tài chính
Theo số liệu thống kê, tình hình kinh tế quý I/2009 có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng rõ rệt: GDP tăng 3,1%; CN-XD tăng 1,5%; xuất khẩu tăng 2,4% nhưng chủ yếu là xuất khẩu gạo và vàng, nếu trừ xuất khẩu vàng thì kim ngạch xuất khẩu giảm 15%; khách quốc tế đến giảm; việc làm giảm, thất nghiệp tăng mạnh, khoảng 5 triệu lao động trong các doanh nghiệp làng nghề mất việc. Dự kiến năm 2009, khoảng 400- 500 nghìn lao động khu vực doanh nghiệp mất việc làm; về tình trạng doanh nghiệp thì khoảng 20% đình hoãn sản xuất kinh doanh, 60% gặp khó khăn và 20% làm ăn tốt; vấn đề bất bình đẳng, đói nghèo và bất ổn xã hội tăng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã cho biết, Liên hợp quốc đã có báo cáo, các ngành kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xây dựng, tiếp đó là ngân hàng và các tổ chức tài chính. Nhiều doanh nghiệp đã và đang cắt giảm quy mô sản xuất, quy mô lao động, đe doạ đến vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động. Theo ước tính, năm 2008, Việt Nam chỉ tạo ra trên 800 nghìn việc làm mới (năm 2007 là 1,3 triệu); thất nghiệp tăng từ 4,64% (năm 2007) lên 5% (năm 2008).
Theo một phương pháp tính toán của các chuyên gia kinh tế của Viện (phương pháp sử dụng hàm Trend), Việt Nam có khoảng 494 nghìn người bị mất việc làm trong năm 2009.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã đưa ra một loạt các giải pháp ứng phó: Chủ trương kích cầu của Chính phủ (gói hỗ trợ lãi suất 4%, hoãn thu thuế thu nhập cá nhân); tăng lương tối thiểu từ tháng 5/2009…
Để hạn chế thấp nhất tình trạng này, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương cần phải có phương pháp đánh giá tác động và dự báo số người mất việc. Trên cơ sở báo cáo của các Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các ngành kết hợp với điều tra nhanh tại một số địa phương sẽ đánh giá được số đối tượng bị tác động và phạm vi tác động; quan điểm về hỗ trợ của Nhà nước; các giải pháp về phía doanh nghiệp…
Về gói kích cầu của Chính phủ, theo ông Trần Đình Thiên, cần có cơ chế giám sát thực thi trong quá trình triển khai, làm thế nào để tránh kích cầu hàng ngoại, cơ cấu mục tiêu ưu tiên (quan hệ giữa kiềm chế suy giảm tăng trưởng GDP, ngăn chặn thất nghiệp, cứu doanh nghiệp và hạn chế thâm hụt ngân sách).