Australia, Anh hoãn dự án Trung Quốc: Việt Nam khó làm khác
Ảnh hưởng từ phán quyết của PCA
Sau khi thông tin hàng loạt thương vụ liên doanh giữa Trung Quốc và các nước như Mỹ, Anh, Đức, Úc đã bị hủy bởi nhiều mối lo ngại về an ninh quốc phòng, ăn cắp công nghệ, tham nhũng...
Tiếp tục phân tích, PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện kinh tế và thương mại quốc tế cho rằng đó là phản ứng rất bình thường, nhất là sau phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) tuyên bố kết quả vụ kiện tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò" của PCA và cho rằng tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) giống như "giọt nước tràn ly" khiến các nước khi làm ăn với Trung Quốc vốn đã có tâm lý dè chừng, e ngại thì nay lại càng ngại hơn.
Vị PGS cho biết, gần đây, các nước như Anh, Úc, Campuchia... bắt đầu nhận rõ và có tâm lý dè chừng với những chiêu trò gian dối trong làm ăn của các doanh nghiệp Trung Quốc như bỏ thầu giá rẻ, sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu gây mất lòng tin. Thêm vào đó, việc cài cắm những ý đồ chính trị tại các dự án lớn đã thật sự khiến nhiều quốc gia khi làm ăn với Trung Quốc phải nghi ngại.
Khi các chiêu trò cùng mưu đồ chính trị lại được đặt cao hơn mục đích hợp tác, kinh doanh sẽ lại là bằng chứng vạch trần những toan tính, âm mưu, tham vọng của Trung Quốc khi đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng về kinh tế hòng thao túng, lôi kéo, lệ thuộc các nước đối tác.
"Làm ăn với một nền kinh tế lớn nhưng lại không có những cam kết chắc chắn, nói một đằng làm một nẻo sẽ khiến đối tác đề phòng, tẩy chay", ông Minh nói.
Không phải xu hướng lạ
Cũng nhìn nhận về vấn đề này, PGS Nguyễn Huy Quý – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc lại không cho rằng việc các nước đồng loạt hủy, hoãn, hoặc tạm dừng các dự án lớn trong làm ăn với Trung Quốc là một "trào lưu quay lưng lại với Trung Quốc".
Ông lấy ví dụ với nước Anh, Anh và Trung Quốc vốn có một mối quan hệ rất đặc biệt, đặc biệt hơn bất kỳ mối quan hệ với nước nào tại Châu Âu.
Trước khi Anh rời khỏi EU, Trung Quốc rất hi vọng sẽ lợi dụng mối quan hệ ngày càng thân thiết với Anh để gây ảnh hưởng lên chính sách của EU với Trung Quốc. Đối mặt với sức ép từ Mỹ và Nhật Bản ở châu Á, Trung Quốc đang chuyển hướng sang châu Âu để tìm kiếm các cơ hội rộng mở về kinh tế.
Đây cũng là một trong những động lực chính của chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Trong bối cảnh này, Trung Quốc đã gây dựng mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế và chính trị với Anh với hi vọng biến Anh trở thành đối tác chính và ủng hộ Trung Quốc ở trong EU.
Do đó, mối quan hệ Anh - Trung đã được xây dựng bằng tất cả sự lôi kéo từ phía lãnh đạo các nước này.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa hai nước này còn được giàng buộc bởi rất nhiều vấn đề khác như sợi dây liên kết để mở rộng thị trường, là nhân tố quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ... Vì vậy, dù Anh đã lựa chọn rời khỏi EU thì quan hệ làm ăn giữa Trung Quốc và Anh cũng không có chiều hướng đi ngược.
Đó là lý do ông Quý giải thích vì sao dự án của Anh cho tới nay cũng chưa có một tuyên bố chính thức nào là dừng hay hủy dự án. Tất cả phát ngôn của giới chức có thẩm quyền nước này mới chỉ dừng lại ở mức độ "tạm hoãn".
Còn với các dự án của Trung Quốc tại châu Phi, vị chuyên gia cho biết, lý do các nước châu Phi cân nhắc làm ăn với Trung Quốc là vì nhận ra một số mặt trái tại các dự án doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện.
Tại Argentina, giới khoa học nước này cũng phản đối rất mạnh mẽ việc chính phủ nước này định bắt tay cùng Trung Quốc xây dựng kênh đào Panama....
Mặc dù có rất nhiều dự án đã bị hủy, hoãn nhưng có một thực tế là hiện các nước này vẫn đang bắt tay làm ăn cùng Trung Quốc. Với những nhận định trên, PGS Nguyễn Huy Quý vẫn cho rằng hiện tượng trên không phải là một xu hướng mà nó bắt nguồn từ 3 nguyên nhân.