Báo Mỹ nói Việt Nam là thung lũng Silicon của Đông Nam Á
Theo bài viết trên, hiện tại với dân số hơn 93,5 triệu người và độ tuổi trung bình vào khoảng 30,3, nền kinh tế Việt Nam được định hình bởi đội ngũ lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân và sinh viên trẻ tuổi. Họ không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn dẫn đầu trong các hoạt động đổi mới công nghệ.
40 năm sau giải phóng, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang sôi nổi với nhiều hoạt động. Cách đây 15 năm, rất khó để tìm thấy những công ty công nghệ thông tin trên đất Việt nhưng giờ đây gần 14.000 doanh nghiệp IT xuất hiện trên cả nước, mở rộng nghiên cứu, phát triển và kinh doanh phần cứng, phần mềm, nội dung số.
CEO Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) Lâm Nguyễn Hải Long cho hay chính phủ Việt Nam hiện đặt ngành công nghệ tại vị trí trung tâm trong sự tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đầu tư “khủng” vào cơ sở hạ tầng và thông qua nhiều chính sách kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kinh doanh trong mảng này.
Từ phía Bắc thủ đô Hà Nội đến thành phố ven biển miền Trung Đà Nẵng vào tận trung tâm kinh tế TP.HCM tại miền Nam, các trường đại học đã và đang đào tạo hàng ngàn kỹ sư phần mềm và IT mỗi năm.
Nhiều trong số họ công tác tại các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony hay Toshiba. Một số khác thì được các quỹ đầu tư mạo hiểm ưu ái tài trợ khởi nghiệp.
Nguyễn Quốc Hùng, nhà sáng lập kiêm điều hành hãng LogiGear (công ty kiểm thử chất lượng phần mềm) nói: “Thế hệ trẻ Việt Nam đang rất nhiệt huyết. Thị trường nước ta thực sự nóng và người trẻ bây giờ có đủ tiền để mua nhà, mua căn hộ. Đây là sự thay đổi khá lớn ở Việt Nam”. Doanh nhân định cư ở Thung lũng Silicon, sáng lập LogiGear năm 1994 cho hay các chuyên gia IT trẻ đại diện cho tầng lớp trung lưu nước ta.
Ông Hùng nhận định thêm: “Không nơi nào giống Thung lũng Silicon, với đầy đủ các yếu tố công nghệ đổi mới, tiên phong và thay đổi cuộc sống thế giới. Song Việt Nam hiện rất sôi động, rất muốn hướng đến tương lai. Lực lượng lao động chính ở quốc gia Đông Nam Á này chưa hẳn đã biết cách kinh doanh theo kiểu người Tây phương nhưng từ góc nhìn của một trung tâm công nghệ, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng”.
Bài viết dẫn khá nhiều ví dụ về sự hội tụ của các đại gia công nghệ quốc tế và hoạt động IT sôi nổi tại Đà Nẵng và TP.HCM.
Theo Bloomberg, chính quyền Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng sân bay 60 triệu USD và hệ thống đường bộ 93 triệu USD. Với mức đầu tư này, thành phố miền Trung đang sẵn sàng cho mức tăng trưởng kinh tế lớn hơn cả Hà Nội và TP.HCM.
Năm 2012, tập đoàn công nghệ IBM xếp Đà Nẵng vào danh sách 33 thành phố hãng chọn để đầu tư chương trình trị giá 50 triệu USD, kéo dài 3 năm Smarter Cities Challenge. Chương trình nâng cao cơ sở hạ tầng của thành phố nhằm phát triển kinh tế bền vững, quy hoạch giao thông và đô thị.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi có 250 sinh viên tốt nghiệp và hiện giờ có 30 nghiên cứu sinh. Đa số các sinh viên chọn ngành công nghệ phần mềm. Tất cả họ đều thực tập cho các công ty từ 2 đến 5 tháng và 50% trong số sinh viên thực tập được giữ lại làm việc”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, người đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Grenoble (Pháp), cho hay nhiều sinh viên của ông xuất thân từ những gia đình nghèo khó, chăm chỉ tại miền Trung Việt Nam.
Ở TP.HCM, các trại khởi nghiệp bắt đầu được tổ chức từ năm 2010, theo ông Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John Von Neumann (JVN) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông Vũ so sánh sự háo hức, năng động của giới trẻ Việt là một ví dụ của tiềm năng khởi nghiệp tại Việt Nam.
“Cộng đồng công nghệ tại Việt Nam đang thành hình một nền văn hóa khởi nghiệp và đó là sự thực. Hiện nay, có kha khá các hội trại khởi nghiệp diễn ra ở các thành phố lớn trên khắp cả nước. Dù vậy, thế hệ trẻ Việt Nam chưa có đủ tinh thần quyết liệt như của Thung lũng Silicon khi vẫn còn ngại chuyện đối mặt với nhiều rủi ro”, ông Vũ nói.
Dự kiến, Hội nghị công nghệ thông tin Việt Nam, với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 150 công ty công nghệ đa quốc gia, 200 công ty IT Việt Nam và 20 trường đại học trên khắp cả nước, sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 17.10 tại TP.HCM.
Với nhiều diễn giả đến từ Gartner, KPMG, HP, LogiGear, Microsoft, Samsung, hội nghị sẽ là cơ hội để ngành IT Việt Nam thể hiện mình với thế giới