Bí thư Thăng cam kết tạo thuận lợi chưa từng có cho doanh nghiệp
Tại buổi giao lưu “Doanh nghiệp đồng hành cùng TP HCM đổi mới” lần 1 diễn ra sáng 27/8, đáp lại sự cam kết đổi mới của hơn 300 doanh nghiệp, đại diện hơn 170.000 doanh nghiệp tại địa bàn, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định, sẽ tạo những điều kiện thuận lợi "chưa từng có" để doanh nghiệp phát triển.
Một trong những yếu tố đầu tiên để làm được điều này, theo ông, chính là cam kết cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
“Thành phố không dung thứ cho sự trì trệ, tiêu cực, thiếu cảm xúc của những người tiến hành dịch vụ công. Tôi đưa ra cảnh báo và yêu cầu nghiêm khắc với các cán bộ, công chức, viên chức phải làm tốt công việc của mình để phục vụ người dân và doanh nghiệp không điều kiện. Lãnh đạo thành phố còn có một mong muốn xa hơn là xóa bỏ hoàn toàn cụm từ “cò dịch vụ” như một vấn đề đáng xấu hổ”, ông Thăng nhắc nhở.
Ở góc độ khác, doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa góp ý thành phố tham khảo cách làm của tỉnh Bình Dương là xóa bỏ ‘cò dịch vụ’ mang tính tiêu cực bằng cách thành lập một đơn vị chính thức, chuyên xử lý dịch vụ liên quan đến thủ tục hành chính. Vị này nhận định, cơ chế của các tỉnh thành trong khu vực đang dần thoáng hơn và thu hút các doanh nghiệp hơn.
“Phải nhìn nhận rằng chúng ta đang tụt hậu. Chúng tôi đi đến Long An hay Bình Dương thì lại thấy thích hơn vì cơ chế đang thoáng và cởi mở hơn TP HCM”, ông Hoà thẳng thắn.
Về mục tiêu đưa TP HCM trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo hàng đầu khu vực, Bí thư Thăng cho rằng, lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp nên lắng nghe lẫn nhau để cùng bắt tay hiện thực hóa nó. “Tôi cổ vũ sự thẳng thắn, nhờ thẳng thắn, chân tình mà chúng tôi mới biết được các doanh nghiệp đang cần gì”, ông chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận xét, định hướng đưa Thành phố trở thành một trung tâm dịch vụ lớn ở khu vực là hợp lý. Tuy nhiên, cần xác định chọn những ngành dịch vụ nào để biến nó thành mũi nhọn và tập trung đầu tư. Ngoài ra, ông cho rằng, lực lượng Việt kiều cũng là một thành phần mạnh mẽ và sẽ có đóng góp đáng kể nếu Thành phố tạo được cơ hội cho họ tham gia.
“TP HCM khác các địa phương là có đội ngũ Việt kiều đông đảo và giàu tiềm năng. Đó là điều mà các địa phương còn lại có muốn cũng không được”, chuyên gia này nhận định.
Ông Thái Tuấn Chí – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn đề xuất TP HCM nên vận động để trở thành địa điểm đặt văn phòng chi nhánh của hiệp hội các quốc gia thành viên Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông cho rằng, nếu điều này thành sự thật thì thành phố sẽ có cơ hội trở thành trung tâm thật sự. Vấn đề hiện nay là để Thành phố được các nước công nhận thì các thành viên khối TPP sẽ yêu cầu TP HCM cam kết sự thay đổi, đây cũng là điều kiện để lãnh đạo thành phố thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn bứt phá mới.
Liên quan đến mục tiêu có được 500.000 doanh nghiệp đến 2020, doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP HCM kêu gọi Thành phố quan tâm hơn đến cơ chế chính sách cho lực lượng khởi nghiệp, nhất là thế hệ doanh nhân 9x. Theo ông Hòa, các lãnh đạo của những tập đoàn lớn trong nước hiện đa phần đã gần đến tuổi hưu, là thế hệ học tập từ Nga về và đang khó khăn trong việc phát triển lực lượng kế thừa. Trong khi đó, ông tin tưởng, trong tương lai, nếu bồi dưỡng tốt thì thế hệ doanh nhân 9x có thể hình thành được đâu đó 20 tập đoàn mới, trẻ trung và có tầm cỡ để đi ra thế giới.
“Hiện nay có một thực trạng là không ít bạn trẻ tài năng không khởi nghiệp tại TP HCM mà đi ra nước ngoài. Đó là điều đáng suy nghĩ. Trong quá trình khởi nghiệp, chắc chắn sẽ có những sai sót. Điều này rất mong sự chia sẻ của lãnh đạo thành phố chứ không chỉ đơn thuần phát hiện và phạt”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ tâm tư.