Chủ tịch ADB: Sao Việt Nam không dựa vào tiêu dùng trong nước mà cứ lệ thuộc vào đối tác thương mại như Trung Quốc?

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu trong số 5 nền kinh tế hàng đầu của ASEAN (gồm có Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) về tốc độ tăng trưởng GDP, khi đạt mức bình quân khoảng 6% trong giai đoạn 2016-2020.
 
Trao đổi với báo giới chiều 17/6, ông Takehiko Nakao – Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, theo dự báo của tổ chức này, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ở mức cao hơn, với mức 6,7% trong năm 2016, và duy trì ở mức 6,5% trong năm 2017.
 
Tuy nhiên, ông Nakao thẳng thắn: “Chúng ta đã nói rất nhiều về vấn đề kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại”.
 
Việc này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của ngành du lịch.
 
Khách từ Trung Quốc đến Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nhiều tháng trở lại đây, tỷ trọng này thường ở mức 1/4 hoặc 1/3.
 
Cứ tháng nào lượng khách Trung Quốc giảm đều kéo theo tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm.
 
Ngoài tác động tới du lịch, kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng ảnh hưởng đến khu vực tiêu dùng và dịch vụ. Với tỷ lệ lạm phát giảm, sau cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc cũng đã kiềm chế hoạt động đầu tư của họ.
 
“Các quốc gia khác cần thận trọng, cần có đệm để bảo vệ mình. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, tức khả năng sản xuất còn nhiều dư địa để khai thác hơn”.
 
“Nói cách khác, nếu tiêu dùng của Việt Nam đủ mạnh, chúng ta sẽ tăng trưởng dựa vào nhu cầu trong nước, sẽ ít bị lệ thuộc hơn vào hoạt động thương mại với các đối tác bên ngoài như Trung Quốc”, ông Nakao nói.
 
Ông Nakao cũng chỉ ra 2 bất ổn của nền kinh tế Việt Nam là thâm hụt ngân sách và mở rộng tín dụng.
 
Bội chi ngân sách đã tăng lên so với dự kiến ban đầu. Bội chi ngân sách có thể có cách đo lường khác nhau, nhưng Chính phủ cần hết sức thận trọng, ông Nakao lưu ý.
 
Ngoài ra, việc mở rộng tín dụng cũng có rủi ro. Chúng ta sẽ phải lường trước các khả năng bùng nổ tín dụng hay tăng trưởng tín dụng quá nhiều.
 
Ông cũng đưa ra gợi ý: “Nếu Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng thì đầu tư vào cơ sở hạ tầng phải được thực hiện một cách có hiệu quả. Việc tiếp tục đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là dạy nghề cũng như giáo dục đại học, đào tạo kỹ sư và các lao động có tay nghề cao sẽ tạo ra nền tảng để chúng ta đi đường dài nhiều hơn”.
 
“Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và ổn định”.