Bình Phước - Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Bình Phước - Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư
Bình Phước có vai trò và vị thế không nhỏ trong sự phát triển KTXH của khu vực miền Đông Nam Bộ. Vai trò, vị thế đó cũng như những lợi thế về tiềm năng đã được phát huy như thế nào, thưa ông?
 
Bình Phước có diện tích 687.462ha, là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có vị trí là cầu nối của vùng với Tây Nguyên và vùng Đông Bắc của Campuchia. Bởi yếu tố này, nên Bình Phước có vai trò rất quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh - quốc phòng của vùng nói riêng và VN nói chung.
 
Trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh về  phát triển cây công nghiệp, nên đến nay diện tích các loại cây như cao su, điều, tiêu luôn được xếp vào danh sách những tỉnh đứng đầu trong cả nước (cao su 124.000ha, sản lượng 163.000 tấn; cây điều 161.000ha, sản lượng 156.000 tấn, tiêu trên 10.000ha, sản lượng hơn 26.000 tấn). Song song với phát triển cây công nghiệp, Bình Phước chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ nên Bình Phước ngày nay không còn là tỉnh thuần nông.   
 
Hệ thống giao thông của Bình Phước cũng đã được thông suốt với 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã. Quốc lộ 13 đi TP.HCM sang Campuchia khá thuận tiện, Quốc lộ 14 liên thông với các tỉnh Tây Nguyên và khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành sẽ nối liền với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đặc biệt sau khi có tuyến đường sắt Xuyên Á đi qua sẽ mở ra triển vọng cho việc giao lưu hàng hóa không chỉ riêng cho tỉnh Bình Phước mà còn cho cả khu vực miền Đông Nam bộ và vùng Đông Bắc của Campuchia và Lào.
 
Trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình lớn đã và đang được xây dựng như: Nhà máy Xi măng Bình Phước với vốn đầu tư gần 300 triệu USD sẽ hoàn thành trong năm 2009, nhà máy thủy điện Thác Mơ công suất 150 MW, nhà máy thuỷ điện Srok Phu Miêng công suất 51 MW và nhà máy thuỷ điện Cần Đơn công suất 72 MW đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã qui hoạch và xây dựng một số khu, cụm công nghiệp như: Chơn Thành, Minh Hưng, Tân Khai, Tân Thành, Nam Đồng Phú và khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư. Đây là những tiền đề để kinh tế tỉnh Bình Phước vững bước phát triển.
 
Bình Phước còn có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: trảng cỏ Bù Lạch, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Cát Tiên, Núi Bà Rá - Thác Mơ và các di tích lịch sử nổi tiếng như: Sóc Bom Bo, Nhà Giao tế Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Căn cứ Bộ chỉ huy Miền, đoạn cuối đường Hồ Chí Minh…
 
Trong Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Bình Phước đã tiến hành các biện pháp nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; quy hoạch vùng nguyên liệu; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các trường dạy nghề…
 
Kết quả đạt được khá khả quan: kinh tế của tỉnh luôn tăng trưởng ở mức cao, GDP bình quân từ 14 -15%/năm, cơ cấu nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 51,32%, công nghiệp - xây dựng 22,4%, dịch vụ 26,28%. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2008 đạt 860 USD. Về thu hút đầu tư cũng đã đạt được những kết quả rất khả quan. Đến nay toàn tỉnh đã có 2.068 DN với tổng vốn đăng ký là 11.209 tỷ đồng.
 
Được biết, tỉnh Bình Phước trong thời gian qua đã có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn những DN cho rằng họ chưa cảm nhận được sự thân thiện, ông nghĩ như thế nào về điều này?
 
Nhằm đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư đến với Bình Phước, trên cơ sở các qui định chung và tình hình thực tế của địa phương, tỉnh đã ban hành những chính sách ưu đãi đầu tư và không ngừng cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư tại Bình Phước.
 
Trong thời gian qua, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từ thứ 49 năm 2007 tăng lên vị trí 32 năm 2008. Đây là điều đáng khích lệ và tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc vẫn còn có những doanh nghiệp cho rằng họ chưa cảm nhận được sự thân thiện, theo tôi điều đó thể hiện ở hai góc độ. Thứ nhất, về phía các cơ quan nhà nước vẫn còn những qui định rườm rà, một số cán bộ do thiếu năng lực, thiếu rèn luyện nên có nơi, có lúc còn gây phiền hà cho nhà đầu tư. Thứ hai, về phía các doanh nghiệp do chưa nắm được thông tin và khi gặp phiền hà không báo lại cho người có thẩm quyền, hoặc các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý kịp thời.
 
Vì sự phát triển của Bình Phước và để tạo điều kiện thật sự thuận lợi đối với các nhà đầu tư, Bình Phước sẽ thực hiện đúng phương châm “Việc của nhà đầu tư cũng là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, các ngành trong tỉnh“. Tôi đề nghị những DN nào khi bị các cá nhân, hoặc tổ chức, cơ quan nào của tỉnh cố ý gây phiền hà, sách nhiễu trong việc tiến hành các thủ tục đầu tư vào tỉnh Bình Phước hãy báo cho lãnh đạo UBND tỉnh hoặc trực tiếp cho Chủ tịch tỉnh.
 
Về phần mình, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành tăng cường công tác giáo dục ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành nhiệm vụ và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện. Nếu phát hiện việc thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý gây phiền hà thì sẽ bị xử lý nghiêm theo mức độ vi phạm. Lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm, xem công việc của DN cũng là việc của chính mình, vì sự phát triển của địa phương mình - đó là cái đích mà tỉnh Bình Phước hướng đến để cải thiện hình ảnh của tỉnh nhà trong mắt của nhà đầu tư và các DN.
 
Nhiều cơ hội và thách thức mở ra khi VN ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Bình Phước sẽ làm gì để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức này?
 
Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, làn sóng đầu tư vào VN cũng như vào Bình Phước ngày càng tăng. Đây chính là cơ hội. Tuy nhiên, nhiều thách thức đặt ra cho Bình Phước như: hạ tầng kỹ thuật còn yếu chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo, môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh vẫn ở mức trung bình…
 
Để giải quyết những thách thức trên, đồng thời đón đầu cơ hội mới, tỉnh Bình Phước sẽ tiến hành các công việc cụ thể như: Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp thoát nước cho các đô thị, nhất là đầu tư hạ tầng các KCN đáp ứng yêu cầu đầu tư; Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng cho các KCN; Đầu tư thêm vào các trường dạy nghề hiện có trên địa bàn và tạo điều kiện xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo để huy động mọi nguồn lực tổng hợp cho phát triển; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới…
 
Xin cám ơn ông!