Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ba mũi giáp công, tổng lực vì nền kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi dư địa để đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong thời gian trước mắt không còn nhiều.
Do vậy, theo Bộ trưởng, phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 1 về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô; Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cũng như Nghị quyết 60 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2016.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quyết tâm đưa nền kinh tế về đích kế hoạch năm 2016. Ảnh: Chí Cường.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau năm 2015 nền kinh tế tăng trưởng đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm, sang năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất là tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái. Dù khó khăn và nhiều dự báo cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là khó đạt được, song Chính phủ vẫn nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ đã ban hành hàng loạt nghị quyết quan trọng nói trên, tạo nên những “mũi giáp công” để tổng lực tháo gỡ khó khăn, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế, cũng như thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Mũi giáp công thứ nhất: Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Một thông tin tích cực, theo bà Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60, tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển đã có những cải thiện đáng kể. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn ngân sách nhà nước đã đạt 46,4% kế hoạch năm, tương đương mức đạt được của cùng kỳ năm trước là 47%, tăng 6,8% so với 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ đạt 31,5%, tuy vẫn thấp hơn mức 44% của cùng kỳ năm trước, nhưng đã tăng 3,4% so với 6 tháng đầu năm.
“Thực hiện Nghị quyết 60, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ được giao, từ thẩm định và trình Chính phủ quyết định 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; phê duyệt chủ trương đầu tư 21 chương trình mục tiêu quốc gia; giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ năm 2016, cũng như trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia...”, bà Phú Hà nói.
Tuy nhiên, điều quan trọng, vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ ở phía trước phải thực hiện để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư năm 2016, từ thẩm định vốn và khả năng cân đối vốn các dự án, tới phân giao số vốn còn lại và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Chưa kể, theo bà Hà, một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu hiện nay là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
“Những dự án nếu tới ngày 30/9 mà giải ngân vốn kế hoạch năm 2016 còn thấp thì sẽ không bố trí vốn kế hoạch năm 2017. Trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng sẽ chỉ bố trí vốn cho các dự án cấp bách, có tính liên vùng, để đảm bảo sử dụng vốn tập trung, nâng cao hiệu quả”, bà Phú Hà nói.
Nhiều công việc vẫn đang quyết liệt được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, để làm sao thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc “không để tình trạng có vốn mà không giải ngân được, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”.
Cùng với đó, liên quan đến quy trình xây dựng kế hoạch năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thiết phải đổi mới để làm sao xây dựng kế hoạch nhanh nhất, hiệu quả nhất, phân giao thực hiện cũng nhanh nhất và hiệu quả nhất. “Xây dựng kế hoạch là quan trọng, nhưng đã đến lúc, cần đổi mới phương thức xây dựng kế hoạch, dành thời gian cho việc nghiên cứu cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng chiến lược, xem xét quy hoạch phát triển...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Mũi giáp công thứ hai: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Rất hồ hởi với việc 3 năm liền Chính phủ đều ban hành Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương một mặt khẳng định điều này đã mang lại sự cải thiện đáng kể không chỉ đối với môi trường đầu tư, kinh doanh, mà cả năng lực cạnh tranh của Việt Nam, song vẫn không khỏi lo ngại khi các mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết này là “đầy tham vọng”.
“Năm 2015, môi trường kinh doanh của ta đã nâng lên 3 bậc, theo xếp hạng Doing Business 2016. So với các nước ASEAN-4, Việt Nam được ghi nhận cải cách nhiều hơn, nhưng khoảng cách trên hầu hết các chỉ số của Việt Nam so với các nước ASEAN-4 còn xa”, ông Cung nói và thẳng thắn, nếu nói tới mục tiêu cải cách toàn diện, xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi thì khoảng cách còn rất lớn.
Thậm chí, nhắc tới chuyện có doanh nghiệp nhập vải về giá chỉ 100.000 đồng/mét, nhưng phí kiểm định chất lượng lên tới 2 triệu đồng, hay nhập khẩu lô tủ mát trị giá 178 triệu đồng nhưng phải trả chi phí thử nghiệm mẫu bằng hơn 75% giá trị lô hàng để được dán nhãn năng lượng, ông Cung cho rằng, còn rất nhiều điều cần tiếp tục cải cách.
Hẳn nhiên, khi còn cách quá xa so với mục tiêu đạt tiêu chuẩn ASEAN-4 vào năm 2016, thậm chí nhảy lên bậc thứ hai, thứ ba vào năm 2020, thì nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là rất nặng nề, đặc biệt với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo ông Cung, mặc dù 2 chỉ số về khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư, thuộc “trách nhiệm” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã được cải thiện nhiều trong thời gian vừa qua, song cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các vấn đề liên quan tới điều kiện kinh doanh.
Tương tự, việc xây dựng một luật để sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh cũng sẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong thời gian tới.
Tuy vậy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chính là cách hữu hiệu nhất trong hiện tại để tạo động lực cho đầu tư kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mũi giáp công thứ ba: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một chuyện, điều quan trọng là phải làm sao tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), coi đây là giải pháp căn cơ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, theo ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngay sau Hội nghị Thủ tướng gặp DN vào cuối tháng 4 vừa qua, Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đã được ban hành. Cam kết được Chính phủ khẳng định rất rõ ràng, đó là coi DN là động lực phát triển kinh tế, DN được quyền tự do kinh doanh những lĩnh vực mà Nhà nước không cấm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự...
Một điểm tích cực là, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, hàng loạt bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này. Các chương trình đối thoại DN cũng đã được tổ chức rộng khắp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN. Các đường dây nóng hỗ trợ DN cũng đã được thiết lập. Nhiều kiến nghị cụ thể đã được các bộ, ngành đề xuất, từ việc nghiêm cấm quy định thủ tục hành chính tại thông tư dẫn tới việc các bộ, ngành thiếu tính chủ động trong sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN, đến mở kênh cho vay bằng ngoại tệ, qua đó các tổ chức tín dụng tiếp tục được cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vay vốn ngắn hạn ở trong nước để hỗ trợ xuất khẩu...
Liên quan vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, từ nghị quyết tới cuộc sống còn cách xa nhiều lắm, ở dưới vẫn còn những nhũng nhiễu, gây khó cho DN.
“Chúng ta phải có chính sách làm sao để nuôi dưỡng DN, đặc biệt là các DN trong nước, tránh tình trạng cứ phát triển DN lớn một chút lại bán”, ông Cao Viết Sinh nói.
Thông tin từ ông Hùng, thời gian tới, việc thực hiện Nghị quyết sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Một khi cả ba “mũi giáp công” được thực thi quyết liệt và hiệu quả, nền kinh tế sẽ có thêm động lực để về đích đúng kế hoạch.
Và những vấn đề còn lại
Một cách khá rõ ràng, bên cạnh các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn sau.
Đề cập vấn đề này, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách phát triển cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vẫn phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bởi “tần suất” lạm phát cao quay trở lại đang ngày càng dày, chỉ 3 năm một lần. “Nếu chúng ta không kiên định, thì chỉ 1 - 2 năm nữa lại lạm phát cao, rồi dẫn tới giảm tăng trưởng, khi đó con đường của chúng ta càng thêm gập ghềnh”, ông Hùng nói và nhấn mạnh việc cần thiết tái cơ cấu nợ công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, bao gồm cả các ngân hàng thương mại nhà nước, cũng như tái cơ cấu các DN nhà nước để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển.
“Không nên để các DN nhà nước vẫn sản xuất bia hay thuốc lá nữa, mà chỉ nên nắm giữ những lĩnh vực quan trọng”, ông Hùng nói.
Còn ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Ông Lâm cũng bày tỏ hy vọng vào đề án mà tới đây Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sẽ đệ trình Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nguyên Thứ trưởng Cao Viết Sinh lại nhấn mạnh chuyện cải cách thể chế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những đơn vị đi tiên phong. “Chúng ta phải luôn giữ được ngọn lửa cải cách đó”, ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh.
Rất nhiều việc phải làm và trách nhiệm không phải của riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tập trung tham mưu cho Chính phủ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giám sát việc thực thi các nghị quyết của Chính phủ, cũng như tập trung phân giao nhanh kế hoạch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc tập trung tìm kiếm mô hình phát triển mới, có tầm nhìn dài hạn để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, cho đột phá phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
“Thời gian còn lại của năm 2016 không còn nhiều, do vậy, tất cả các cán bộ của toàn ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm sao để chúng ta thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, xứng đáng là cơ quan tham mưu tổng hợp về điều hành kinh tế vĩ mô cho Chính phủ”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.