Cần thêm gói kích cầu nội địa

Cần thêm gói kích cầu nội địa

Khẳng định gói kích cầu thứ nhất hỗ trợ lãi suất vốn vay lưu động và vốn trung hạn đã phát huy hiệu quả tốt với nền kinh tế, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc triển khai gói kích cầu tiêu thụ nội địa là cần thiết trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn chưa có điểm sáng.

Tăng cường hỗ trợ lãi suất cho nông dân

Đánh giá về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất tại hội thảo “Tăng cường quyết định và năng lực giám sát ngân sách của cơ quan dân cử” mới đây, TS Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, nhờ 4% lãi suất được hỗ trợ, chi phí đi vay của doanh nghiệp đã giảm từ 30 - 40% (đơn cử như TP. HCM giảm 36,6%), chi phí giá thành cũng giảm trung bình 2 - 6,5%. Đây cũng là nhân tố tác động làm cho tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức cao (19,22%), góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, 91% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể duy trì sản xuất nhờ vay vốn hỗ trợ lãi suất.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất cũng bộc lộ một số hạn chế như: trùng lặp về đối tượng được hỗ trợ, chưa kể thủ tục cho vay theo Quyết định 497/QĐ-TTg chặt chẽ hơn so với cho vay thông thường nên kết quả đạt thấp. Cũng theo TS Bảo, các ngân hàng thương mại và định chế cho vay đã phải giải quyết thêm nhiều việc phát sinh trong bối cảnh còn bất cập về cơ chế quản lý tín dụng và hóa đơn chứng từ. Cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng làm tăng trưởng tín dụng VND cao, chênh lệch lãi suất tiền gửi và tiền vay VND (nhiều doanh nghiệp đi vay VND để mua USD) và khó kiểm soát được hiện tượng tiêu cực trong vay vốn, ảnh hưởng tới ổn định lãi suất và tỷ giá.

Được biết, Ủy ban Giám sát tài chính ngân sách đang làm việc với Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng Đầu tư và phát triển - là hai ngân hàng chiếm tỷ lệ dư nợ lớn nhất về cho vay hỗ trợ lãi suất. Kết quả làm việc cho thấy, các ngân hàng đã hạn chế cho vay với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất ngay sau khi có chỉ thị của NHNN (về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 25 - 27%), dẫn tới nhiều dự án mới triển khai lại gặp khó khăn do thiếu vốn. Đặc biệt, bà con nông dân bây giờ mới tiếp cận được thông tin về nguồn vốn, trong khi các ngân hàng lại đang giới hạn cho vay. 

Bối cảnh kinh tế hiện nay đã khác nhiều so với hồi đầu năm, đặc biệt, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại đòi hỏi phải có sự thay đổi, điều chỉnh về phạm vi, hàm lượng các chính sách tiền tệ vừa để doanh nghiệp phát triển mà ngân sách không bị thất thu. Song, hàm lượng tín dụng phải được kiểm soát để không tạo ra lượng tiền lớn đưa vào lưu thông, gây ra lạm phát - ông Đinh Văn Nhã

 Kích cầu tiêu thụ nội địa là cần thiết

“Việc có thêm gói kích cầu thứ hai về tiêu thụ, nhất là tiêu thụ nội địa là cần thiết trong bối cảnh xuất khẩu vẫn chưa có điểm sáng” - ông Nhã đề xuất. Ông phân tích, các chính sách như hỗ trợ lãi suất đã góp phần thay đổi chất lượng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng do các thị trường lớn đang gặp khó khăn.

Về lâu dài, không thể dựa quá nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Mỹ, EU. Bởi thế, việc hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại để tìm ra các thị trường mới là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần có những ưu đãi nhất định đối với các doanh nghiệp xuất khẩu để họ vừa sản xuất phục vụ thị trường nội địa vừa chờ cơ hội xuất khẩu. “Nhà nước nên chi thêm tiền từ ngân sách hỗ trợ người dân mua hàng trong nước phục vụ sinh hoạt, mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước. Vấn đề cần là phải xử lý chính sách tiêu thụ hàng nội địa sao cho hiệu quả” - ông Nhã nhìn nhận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng khẳng định, cùng với những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế, các chính sách sẽ được thay đổi về hàm lượng và cơ cấu. Tuy nhiên, cơ cấu lại nền kinh tế là bài toán cần phải xử lý trong nhiều năm.