Chính phủ tham gia Facebook

Tất cả dịch vụ công được làm trực tuyến từ 2017

Trong buổi họp báo cung cấp thông tin xung quanh việc ban hành Nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử chiều 20/10, Tổng giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo cho biết, trang thông tin điện tử Chính phủ vừa có tài khoản trên Facebook với tên gọi “Thông tin Chính phủ” nhằm đưa thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi hơn trên Internet.

Ngoài ra, cũng trên Facebook, Chính phủ còn lập thử nghiệm trang "Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia". Nội dung đưa lên hai tài khoản Facebook này là thông cáo báo chí, chỉ đạo của Thủ tướng, các phó thủ tướng và một số hoạt động của Chính phủ. Bằng cách này, Chính phủ kỳ vọng thông tin quan trọng sẽ được người dân tiếp cận dễ dàng.

Ông Đạo cho hay, tùy vào kết quả thử nghiệm, Cổng thông tin điện tử Chính phủ sẽ lập dự án, hợp tác chính thức với Facebook để khai thác ứng dụng này.
chinh-phu-tham-gia-facebook

Giới thiệu về Nghị quyết 36a, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, văn bản này hướng tới 3 mục tiêu chủ yếu để xây dựng Chính phủ điện tử là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, huyện, xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử.

Để triển khai hiệu quả 3 nội dung nêu trên, phải thực hiện 4 giải pháp về đầu tư và tài chính; nhân lực; triển khai và kỹ thuật; tổ chức. Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản từ Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương.

Theo ông Hà, thực hiện từ tháng 7, đến nay có 27 UBND tỉnh, thành phố và 3 bộ đã kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, có một bộ và 19 địa phương đã liên thông gửi nhận văn bản và phản hồi trạng thái xử lý.

Trước đó ngày 14/10, Chính phủ ban hành nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Trong ba năm 2015-2017, Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Mục tiêu đến hết năm 2016 các bộ, ngành trung ương có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).

Bên cạnh đó, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Hoàng Thùy