BR - VT thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Đất đang chờ dự án

BR - VT thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Đất đang chờ dự án
Dự án giảm
 
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN, trong 9 tháng đầu năm nay, các KCN trên địa bàn tỉnh chỉ thu hút được 8 dự án đầu tư. Như vậy, kế hoạch năm 2009 không đạt, mặc dù chỉ tiêu năm nay được đặt ra không nhiều, chỉ 15 dự án, do đoán trước tình hình biến động kinh tế và căn cứ trên số lượng chủ dự án tới tìm kiếm cơ hội đầu tư, triển khai thủ tục ban đầu... Về vốn đăng ký, ngoại trừ dự án thép China Steel có tổng vốn đầu tư 1,148 tỷ USD, 7 dự án còn lại chỉ có tổng vốn 78 triệu USD.
 
Không chỉ thiếu vắng những dự án làm thủ tục đầu tư, mà còn thưa thớt cả các dự án “gối đầu”. Ông Lê Minh Châu, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, trong mấy tháng qua, chưa thấy chủ dự án nào đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Như vậy, trong những tháng đầu năm 2010, sẽ có rất ít dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN vì thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho một dự án cũng mất ít nhất vài tháng.
 
Khác với những diễn biến trước đây, tốc độ giải phóng mặt bằng không theo kịp tốc độ đầu tư khiến cho nhiều chủ dự án đã định ngày khởi công nhưng do không đủ đất sạch đáp ứng nên phải dừng lại. Nay, tình hình khủng hoảng kinh tế đã làm nhiều chủ đầu tư giảm năng lực đầu tư, thiếu vốn... Ngay cả những dự án đang triển khai còn lao đao, nên các nhà đầu tư chưa nghĩ tới việc đầu tư dự án mới trong giai đoạn này. Bà Chu Thị Thư, Chủ tịch danh dự HĐQT Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức, chủ dự án KCN đô thị Sonadezi cho biết: Công ty Hyundai (Nhật Bản) đã từng đến và có chủ trương đầu tư một dự án khoảng 100ha tại KCN đô thị Sonadezi, nhưng do khó khăn chung, Công ty Hyundai đành gác dự án này lại, mặc dù rất tiếc một cơ hội đầu tư tốt và một địa thế đất đai đẹp.
 
Việc thu hút đầu tư giảm khiến tình hình cho thuê đất tại các KCN cũng “hiu hắt” theo. Ông Lê Minh Châu, cho biết: Tại các KCN hiện có 600ha đất sẵn sàng cho thuê. Đấy là chưa kể lượng đất chưa cho thuê nhưng còn vướng đền bù giải tỏa. Và cũng vì không có nhà đầu tư nào đến thuê đất nên một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng chậm xúc tiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tính đến nay, còn 7 KCN có tỷ lệ lấp đầy dự án dưới 50%, kéo theo tỷ lệ lấp đầy các dự án trong các KCN chỉ còn 38,31% (không kể KCN Đất Đỏ 1 vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 9 – 2009).
 
Khoảng "dừng" cần thiết!
 
Việc thu hút đầu tư vào các KCN được lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp rất quan tâm. Bản thân các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cơ sở KCN là những người sốt ruột nhất khi tình hình thu hút đầu tư vào các KCN giảm. Tuy nhiên, không nên bi quan vào tình trạng giảm dự án đầu tư trong thời gian vừa qua. Ít dự án đầu tư không phải là vấn đề đáng lo ngại, mà đây chính là thời gian “dừng” để những ngành quản lý chức năng nhìn lại những dự án đã đầu tư, kiểm soát lại thành quả trong công tác thu hút đầu tư nhằm thực hiện tốt nhất chủ trương của tỉnh là ưu tiên thu hút những dự án đầu tư mạnh về công nghệ, tốt về bảo vệ môi trường, sử dụng ít lao động phổ thông. Không nên lo lắng quá khi thấy thu hút được ít dự án rồi phát sinh tình trạng nhận “bừa”, nhận “cho có”, nhận “vội” tất cả các dự án khi nhà đầu tư tìm đến.
 
Đổi mới phương thức thu hút đầu tư là một cách để “lọc” được những dự án tốt, có hiệu quả cao. Cần có những chiến lược quảng bá và lựa chọn thu hút đầu tư chứ không thể để tình trạng nhà đầu tư tự tìm đến hoặc trông đợi các chủ đầu tư hạ tầng xúc tiến. Riêng ban Quản lý các KCN cũng không thể đơn độc thực hiện được điều này vì với đội ngũ nhân sự hiện nay, Ban chỉ có thể làm tốt nhiệm vụ “quản lý”.
 
Bà Rịa – Vũng Tàu là một địa phương giàu tiềm năng, trong đó có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp vì có cảng biển quốc tế, có hệ thống giao thông thuận lợi... Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã nỗ lực lớn trong việc hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật ổn định cho các dự án đầu tư, bằng cách thành lập các KCN tập trung với nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, điện, nước, đường giao thông, các chính sách xã hội như nhà ở, lao động... Chính vì vậy, sau khủng hoảng kinh tế sẽ tiếp tục có nhiều dự án tìm đến với Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
Vấn đề là, tỉnh và các ngành chức năng cần có sự khảo sát, phân tích và quy hoạch (đất đai, ngành nghề sản xuất kinh doanh, quy chế lựa chọn và đầu tư...) ngay trong thời gian “đệm” này, nhằm thu hút được dòng vốn đầu tư hiệu quả nhất, tạo nên năng suất lao động cao nhất, để Bà Rịa – Vũng Tàu nhanh chóng trở thành “tỉnh công nghiệp mạnh về kinh tế biển” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đã đề ra.