Bức tranh ngành công nghiệp Việt Nam năm 2016: Nhiều khó khăn, tăng trưởng sụt giảm

Ngành điện chậm khởi công xây dựng, đóng diện
 
Bộ Công Thương cho biết, sản xuất điện vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, do đó đã bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và các sự kiện chính trị. Giá điện được giữ ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu chung về kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Điện sản xuất và mua năm 2016 của EVN ước đạt 176,99 tỷ kWh, tăng 10,8% so với năm 2015 và tăng 1,09 tỷ kWh so với kế hoạch được giao. Điện thương phẩm ước thực hiện năm 2016 đạt 159,31 tỷ kWh, tăng 10,9% so với năm 2015.
 
EVN đã hoàn thành đưa vào vận hành 5/9 tổ máy với tổng công suất 2.304/2.534 MW so với kế hoạch năm 2016, đóng điện 287 công trình.
 
Tuy nhiên, ngành đang tiếp tục đối mặt với những vấn đề như ảnh hưởng của diễn biến thời tiết không thuận lợi, thực hiện chậm trong công tác khởi công xây dựng, đóng điện do công tác giải phóng mặt bằng và đền bù, đặc biệt đối với các công trình lưới điện truyền tải 500 - 220kV, thiếu vốn đầu tư...
 
Xuất khẩu than sạch sụt giảm
 
Sản xuất của ngành than trong năm 2016 tiếp tục khó khăn, lượng than sạch sản xuất cả năm ước đạt 39,6 triệu tấn, giảm 3,1% so với năm 2015 và bằng 94,3% kế hoạch năm.
 
2016 là một năm khó khăn của ngành than
 
Nguyên nhân của tình trạng này được Bộ Công Thương lý giải do giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng, các loại thuế, phí liên quan đến ngành tăng.
 
Gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây
 
Bộ Công Thương cho biết gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2016 tuy đạt kế hoạch đề ra (đạt 16,66 triệu tấn dầu quy đổi/kế hoạch là 16-20 triệu tấn dầu quy đổi) nhưng đây là mức thấp nhất so với nhiều năm gần đây.
 
Tổng khai thác dầu trong và ngoài nước cả năm đạt 17,23 triệu tấn, vượt 1,19 triệu tấn (vượt 7,4%) so với kế hoạch năm, hoàn thành kế hoạch cả năm trước 25 ngày, đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 370 triệu vào ngày 26/12/2016. Sản xuất xăng dầu cả năm đạt 6,87 triệu tấn, vượt 1,18 triệu tấn (vượt 20,8%) so với kế hoạch năm. Khai thác khí cả năm đạt 10,61 tỷ m3, vượt 1,0 tỷ m3 (vượt 10,4%) so với kế hoạch năm.
 
Nguyên nhân gia tăng trữ lượng dầu khí đạt thấp so với những năm gần đây là do tác động xấu từ giá dầu suy giảm đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, gây khó khăn cho việc gia tăng trữ lượng dầu khí, các dự án đầu tư trong lĩnh tìm kiếm thăm dò dầu khí phải tạm dừng/giãn tiến độ.
 
Ngành thép nhập siêu lớn
 
Theo Bộ Công Thương, sản xuất sắt thép năm 2016 tăng trưởng cao, tuy nhiên vẫn chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sắt thép nội địa và tiếp tục là ngành nhập siêu lớn. Lượng sắt thép thô đạt 5,1 triệu tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ; thép cán đạt 5.351,5 nghìn tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 4.702,9 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
 
Việt Nam vẫn nhập siêu thép, sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước
 
Với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu phôi thép và thép xây dựng và thép cán nguội cho nhu cầu trong nước (khoảng 7-8 triệu tấn/năm).
 
Tuy nhiên, chủng loại thép tấm cán nóng là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, có nhu cầu lớn (khoảng 10 triệu tấn/năm) trong nước lại chưa sản xuất được, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.
 
Ngành cơ khí cạnh tranh gay gắt
 
Sản xuất nhóm ngành cơ khí, đặc biệt ngành sản xuất máy công cụ và máy nông nghiệp tăng trưởng thấp do tiêu thụ giảm, cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc.
 
Sản lượng xe máy tăng thấp ước đạt 3,390.5 nghìn chiếc, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do tiêu thụ đã đến ngưỡng bão hòa, người dân có xu hướng sử dụng các phương tiện khác phù hợp; sản lượng ô tô tăng cao, ước đạt 242,7 nghìn cái, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.




Ngành hóa chất, phân bón giảm mạnh
 
Sản xuất hóa chất phân bón giảm so với năm 2015. Sản lượng phân đạm urê giảm 13,3% và chỉ đạt 86,5% so với kế hoạch đề ra, ở mức 1.992,7 nghìn tấn; phân NPK giảm 10,5% và chỉ đạt 65,5% so với kế hoạch đề ra với khoảng 2.228,1 nghìn tấn. Nguyên nhân của sụt giảm là do nguồn cung phân đạm từ thế giới và khu vực dồi dào nên áp lực cạnh tranh từ phân bón nhập khẩu rất lớn.
 
Giá phân thế giới chịu tác động và giảm nhiều theo giá dầu, giá khí; Giá than tăng cao, trong khi đó, chi phí than chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành, đối với phân urê khoảng 56-60%.
 
Ngành dệt may tăng trưởng thấp hơn so với năm 2015
 
Sản xuất và xuất khẩu dệt may vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên ở mức thấp hơn so với năm 2015. Sản xuất vải dệt từ sợi bông, sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo ước đạt 1.027 triệu m2, tăng 4% và bằng 96% kế hoạch năm; sản xuất quần áo mặc thường ước đạt 3.435 triệu cái, tăng 6,2% so với năm 2015 và bằng 97,3% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 28,5 tỷ tăng 5,6% so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với dự kiến 1,5 tỷ USD, hoàn thành 92% kế hoạch xuất khẩu.
 
Tăng trưởng ngành dệt may sụt giảm
 
Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 23,6 tỷ USD tăng 3,3%; xuất khẩu xơ sợi ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 14,1%...
 
Nguyên nhân là do sự sụt giảm của cầu thế giới từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Việt Nam bị cạnh tranh từ các nền kinh tế mới nổi như Campuchia, Bangladet, Pakistan...




Ngành da giày tăng trưởng thấp
 
Sản xuất da giày tăng trưởng thấp và không đạt chỉ tiêu kế hoạch, ước đạt 272 triệu đôi, tăng 2,8% so với năm trước và bằng 86,7% kế hoạch năm. Xuất khẩu giầy dép các loại ước đạt gần 12,9 tỷ USD tăng 7,6 % so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù ước đạt 3,13 tỷ USD tăng 9 % so với cùng kỳ năm trước.
 
Nguyên nhân là do áp lực của suy thoái kinh tế toàn cầu, chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu trong nước còn thiếu đồng bộ. Ngành da giày vẫn thiếu chủ động nguồn nguyên liệu, chuyển động khá chậm ở khâu đổi mới công nghệ, chuyên nghiệp hóa phương thức quản trị, đặc biệt trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay.
 
Ngành thuốc lá tăng trưởng cao
 
Ngành thuốc là có mức tăng trưởng khá cao. Sản xuất ước đạt 5.435 triệu bao, tăng 3,5% so với năm trước, kim ngạch xuất khẩu tăng 5%.
 
Tuy nhiên, thu mua nguyên liệu tăng 40% và và chỉ đạt 98% kế hoạch năm; thuốc lá nội tiêu lại có chiều hướng giảm nhẹ (giảm 1%), tiêu thụ thuốc lá trong nước có xu hướng chuyển đổi mạnh sang các sản phẩm trung cấp và gia tăng buôn bán thuốc lá lậu do tác động của Luật Phòng, chống tác hại của Thuốc lá, lộ trình tăng thuế TTĐB và tăng mức đóng góp Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá làm tăng giá bán thuốc lá trong nước, kéo theo việc gia tăng lợi nhuận và thúc đẩy hành vi buôn bán thuốc lá lậu.
 
Ngành Bia-Rượu-Nước giải khát
 
Sản lượng sản xuất tăng chậm ở mức 9,3% và chỉ đạt bằng 85,6% kế hoạch năm với ước sản xuất đạt 3.787 triệu lít.
 
Nguyên nhân là do Luật thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với ngành Bia Rượu, nộp Ngân sách tăng do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và truy thu thuế những năm trước theo yêu cầu của Bộ Tài Chính và Kiểm toán Nhà nước nên gây ra những khó khăn nhất thời cho doanh nghiệp trong việc cân đối dòng tiền.
 
Ngành giấy xu hướng phát triển chậm lại
 
Tốc độ phát triển ngành giấy có xu hướng chậm lại. Hầu hết các doanh nghiệp có công suất nhỏ, dây chuyền cũ nên chi phí sản xuất cao trong khi giá giấy trên thị trường thế giới đều thấp.
 
Công tác tiêu thụ sản phẩm giấy hết sức khó khăn, cạnh tranh gay gắt với giấy nhập khẩu và giấy sản xuất trong nước. Chỉ số tiêu thụ của ngành tính đến 01 tháng 12 năm 2016 tăng 0,2%.
 
Kim ngạch xuất khẩu giấy các loại ước 12 tháng đạt 503 triệu USD, tăng 7,4% trong khi kim ngạch nhập khẩu giấy các loại ước 12 tháng đạt 1.535 triệu USD, tăng 9% về trị giá và 15,5% về số lượng. Khối lượng giấy tồn kho cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD năm 2016 của ngành, chỉ số tồn kho tăng 117,8% so với cùng kỳ năm trước.