Cận cảnh những cơn hấp hối bên dòng Mekong
Ngư dân Thái Lan tranh thủ bắt cá ngay sát đập Pak Mun trong bốn tháng chính phủ cho mở cửa đập. Năm nay, ngày mở cửa đập bắt đầu từ 15-6 - Ảnh: Hương Giang |
Ông Thong Ne, 77 tuổi, đau đáu nhìn xuống bãi đỗ thuyền đánh cá của dân làng Tamui. Mỗi mùa, lượng tôm cá dân làng bắt được ít dần, thuyền bè thường ghếch mũi nằm bờ. “Khi tôi còn trẻ, cá nhiều đến mức không đủ sọt để chứa” - người đàn ông đã gắn bó cả cuộc đời với sông Mekong nói giọng buồn rầu.
Những thân phận thấp cổ bé họng
Tamui có 128 hộ dân, nằm bên bờ sông Mekong, đoạn giáp biên giới Lào, thuộc tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan. Năm 1991, Chính phủ Thái Lan tuyên bố khu vực này là vườn quốc gia, bao gồm cả làng Tamui. Nguồn thức ăn ít ỏi từ rừng như măng, nấm... không đủ cung cấp làm thực phẩm và thu nhập. Cả làng chỉ có 21 gia đình có đất trồng lúa. Từ đó ngôi làng ngày càng dựa vào sông Mekong để tìm kế sinh nhai.
Theo dân làng kể, 99% trong số họ kiếm ăn từ dòng sông, còn 1% sống nhờ việc mua bán tôm cá mà những người khác đánh bắt được. Nhưng dự án xây đập thủy điện Ban Koum, nằm cách làng 2km về phía thượng nguồn của hai chính phủ Thái Lan và Lào đang khiến Tamui ăn ngủ không yên. Hồ chứa nước của con đập này sẽ làm ngập các cộng đồng thuộc huyện Khong Chiam và Khemarat của Thái Lan.
“Khi chúng tôi lên rừng ở, chính phủ đẩy chúng tôi xuống đây. Khi xuống sông, con đập lại đẩy chúng tôi lên” - ông lão Thong Ne than vãn. Cũng như những người cao tuổi khác trong làng, ông lo sợ nếu con đập được xây dựng, ngôi làng Tamui sẽ nhanh chóng bị xóa sổ. “Chúng tôi biết chuyển sang chỗ khác sẽ không tốt bằng. Chúng tôi đến những nơi khác đã làm như thế rồi và thấy như vậy” - một dân làng chen vào.
Những tranh cãi về dự án này vẫn chưa đến hồi ngã ngũ khi người dân và các tổ chức xã hội dân sự liên tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ. “Các công ty thực hiện dự án bảo dân làng là họ muốn xây một đập nước. Dân hỏi cái đập đấy trông thế nào, họ trả lời đập này có 22 cửa. Đập Pak Mun tai tiếng cũng chỉ có tám cửa. Vì thế người dân bắt đầu nghi ngờ là những người này nói dối” - bà Premrudee Daorung, đồng giám đốc Tổ chức “Vì sự phục hồi sinh thái và liên minh khu vực” (TERRA) có trụ sở tại Bangkok, giải thích.
Đập Pak Mun hoàn thành năm 1994, nằm cách ngã ba sông nhánh của Mekong là sông Mun và sông chính Mekong 5,5km về phía tây, được biết đến từ cuộc đấu tranh bền bỉ của người dân quanh khu vực để bảo vệ nghề cá của họ. Pak Mun đã gây ra những tác động tiêu cực cho nghề đánh cá, chưa kể những chính sách đền bù không thỏa đáng cho người dân địa phương. Hằng năm, người dân nơi đây lại rồng rắn kéo về thủ đô Bangkok đòi chính phủ mở cửa đập trong khoảng thời gian bốn tháng để tạo điều kiện cho tôm cá di cư và sinh sản. Trước khi xây đập, người dân được hứa sẽ có đường sá hiện đại, có điện, nước nhưng đến tận bây giờ những lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Án tử cho cá tôm và ngư dân
Sơ đồ các con đập đã vận hành, đang xây hay đang được lập dự án cho thấy dòng chính Mekong bị băm nát thành nhiều mảnh nhỏ. Ở thượng lưu thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, ba con đập đã hoàn tất là Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng. Con đập gây tranh cãi Tiểu Loan được cho là đập cao nhất thế giới cũng sắp hoàn tất, cùng với đập Nọa Trát Độ.
Theo Tổ chức International Rivers, các con đập của Trung Quốc sẽ gây tác động hủy hoại đối với những cộng đồng ở hạ lưu. Trong nỗ lực trở thành “nguồn điện của Đông Nam Á”, Lào hi vọng phát triển hơn 30 đập ở các nhánh sông Mekong và đang xem xét các dự án trên dòng chính. VN cũng đang xây đập trên một số nhánh sông, Campuchia có các dự án trên sông nhánh... “Xây các con đập có nghĩa là sự bức tử nghề cá giàu có và những người sống phụ thuộc vào đó bởi hàng ngàn vết cắt” - International Rivers kết luận trên website của mình.
Tiến sĩ Carl Middleton, điều phối viên chương trình Mekong của International Rivers, cho biết cách đây khoảng 200 năm châu Âu và Mỹ cũng rộ lên phong trào xây đập nhưng từ những năm 1960, ngày càng ít đập mới được xây và cho đến nay ở Mỹ số đập bị phá bỏ nhiều hơn đập được xây thêm. “Chi phí quá cao, tác động tiêu cực tới hệ sinh thái quá lớn. Ngày xưa người ta xây đập vì không có nhiều sự lựa chọn về nguồn điện như bây giờ. Nay người dân muốn đòi lại dòng sông của mình” - TS Middleton giải thích với dân làng Tamui ở ven sông Mekong.
Do các con đập sẽ cản trở dòng di cư và ảnh hưởng nơi sinh sản của các nguồn thủy sản, sông Mekong có nguy cơ mất đi nhiều loại thủy sản quý hiếm như cá heo Mekong hay cá da trơn khổng lồ. Số liệu khoa học cho thấy hơn 70% lượng cá đánh bắt ở hạ lưu sông Mekong phụ thuộc vào quãng đường di cư từ hạ nguồn lên thượng nguồn và ngược lại. Ngoài các loài cá, nhiều loài thủy sinh vật cũng bị ảnh hưởng bởi các tác động về nơi di trú, sinh sản, mất ổ sinh thái.
Chính phủ Thái Lan đã thử áp dụng công nghệ “thang cá” nhưng không thành công. Anh Meach Mean, điều phối viên mạng lưới bảo vệ các sông 3S (Sesan - Srepok - Sekong) có trụ sở tại Campuchia, đã dành hàng giờ ngồi quan sát thang cá tại đập Pak Mun. “Chỉ có vài con nhỏ nhảy qua được thôi” - anh giãi bày. Vanessa Lamb, nghiên cứu sinh đến từ Canada, cũng cho biết thang cá chỉ có thể phát huy tác dụng ở Mỹ, nơi các con sông có điều kiện về dòng chảy, tài nguyên hoàn toàn khác sông Mekong. “Chưa có công nghệ nào giảm thiểu được tác động tiêu cực của việc thay đổi dòng chảy đến nghề cá” - TS Middleton khẳng định.
ĐBSCL hứng chịu thiệt hại nặng nề Thạc sĩ Ngô Xuân Quảng từ Viện Sinh học nhiệt đới (TP.HCM) cho biết khi các con đập được xây tràn lan, chúng sẽ ảnh hưởng lớn tới đồng bằng sông Cửu Long vì khu vực này nằm cuối dòng sông, hứng chịu toàn bộ tác động từ thượng nguồn. Vùng đồng bằng phía nam của VN mất đi sự trù phú vì không còn phù sa từ dòng chảy Mekong mang về mỗi mùa lũ và đất đai cho trồng trọt bị ảnh hưởng nặng hơn do phèn tiềm tàng không được rửa trôi. Cộng với mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu, đất sẽ bị nhiễm mặn, làm thiệt hại hàng trăm hecta lúa như đã xảy ra ở Gò Công, Tiền Giang. Ông Quảng cũng đánh giá tác động tiềm ẩn và gián tiếp của việc xây đập thủy điện tới người dân đồng bằng sông Cửu Long: “Xưa nay họ sống dựa vào sông rạch. Nếu thiếu nước thì chính các con sông nhỏ và kênh rạch sẽ cạn trước. Việc đi lại, kinh doanh của bà con vùng này đều dựa vào sông rạch. Mặt tiền ở đây không chỉ là mặt đường mà còn là mặt sông. Điều đó sẽ kéo theo sự thay đổi trong cuộc sống, văn hóa, lễ hội, kinh doanh”. |