Cấp phép xây dựng chậm: Do con người
40% hồ sơ bị trả lại
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng CPXD, kết quả kiểm tra công tác CPXD trên địa bàn TP năm 2009 cho thấy, chỉ có quận 3 và huyện Hóc Môn chưa áp dụng quy trình ISO 9001:2000, còn lại hầu hết các quận đều đã áp dụng để giải quyết hồ sơ. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều quận - huyện có số lượng hồ sơ trễ hạn cao như: quận 12, Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Thạnh... dù thời gian gần đây tỷ lệ hồ sơ trễ hạn tại một số nơi đã giảm nhiều.
Theo Sở Xây dựng, qua kiểm tra cho thấy, số hồ sơ bị trả lại để yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung chỉnh sửa tại các quận - huyện còn khá lớn, chiếm 30% - 40% tổng số hồ sơ. Điều này khiến thời gian xin phép xây dựng của người dân trên thực tế kéo dài hơn so với quy định. Đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác cấp phép xây dựng trong thời gian qua chưa cao.
Riêng quận Bình Thạnh, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao nhất, lên đến 56% (trong 6 tháng đầu năm) do không lập quy trình quản lý, theo dõi hồ sơ, không có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư bổ túc hồ sơ. Theo Sở Xây dựng, đây là quận có chuyển biến chậm nhất về cải cách hành chính trong CPXD và cả công tác cấp chủ quyền nhà đất mặc dù sở đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo quận và các phòng ban để kiểm tra và hướng dẫn giải quyết vướng mắc.
Liên thông nhưng... tắc
Ông Hồ Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, giải thích rằng, con số chậm trễ là đúng nhưng nguyên nhân không nặng nề như báo cáo nêu. Theo ông, từ tháng 6 đến tháng 9-2009, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn tại quận trung bình khoảng 20%/tháng. Có nhiều nguyên nhân gây ra trễ hẹn đó là quy hoạch trên địa bàn quận cực kỳ căng thẳng, trong đó lỗi do các đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện chậm trễ kéo dài thời gian… Cũng có nguyên nhân do cán bộ thiếu trong khi lượng hồ sơ nhận rất nhiều, 9 tháng đầu năm nhận khoảng 2.500 hồ sơ CPXD nhưng chỉ có 8 cán bộ vừa thực hiện CPXD vừa giải quyết khiếu nại.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quách Hồng Tuyến thắc mắc, tại sao các quận - huyện khác vẫn giải quyết, trong khi đó Bình Thạnh lại lấn cấn? Từ đó, ông Tuyến yêu cầu các trường hợp sử dụng ổn định trước 15-10-1993, không có tranh chấp thì cứ CPXD trong phần đất sử dụng, trong quá trình CPXD nếu có khiếu nại, tranh chấp thì ngưng.
Hiện có 4 quận đã thực hiện liên thông một cửa trong công tác CPXD, đó là các quận 7, 9, Bình Thạnh và Gò Vấp. Thế nhưng việc liên thông này lại làm cho một số quận lúng túng.
Quận Bình Thạnh cho biết, do thực hiện liên thông nên phải có phần mềm để lưu hồ sơ, thế nhưng trong quá trình thực hiện, việc hệ thống và cả phần mềm gặp trục trặc đã ảnh hưởng đến tiến độ thụ lý hồ sơ. Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 9 đồng tình cho biết, hiện quận đã thực hiện liên thông trong CPXD tại 13 phường, đầu mối giao trả hồ sơ tại phường, trong khi đó cán bộ phường thì ít, lại kiêm nhiệm nhiều việc nên không có thời gian đi lấy lại hồ sơ tại quận. “Chưa kể khi được quận hướng dẫn, cán bộ phường thực hiện còn chưa đúng lại đi hướng dẫn lại cho dân nên sai lại chồng sai” - đại diện này nói.
Trong khi đó, tại quận 7 và Gò Vấp mọi việc trơn tru hơn do thực hiện liên thông với đầu mối tại UBND quận mà cán bộ nhận hồ sơ tại quận thì có chuyên môn, kinh nghiệm hơn.
Đơn vị tư vấn thiết kế chậm: Cấm hoạt động
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quách Hồng Tuyến cho rằng, việc thực hiện cơ chế liên thông là rất tốt. Tuy nhiên, nếu liên thông mà có lợi cho dân và thuận lợi cho cán bộ thụ lý thì phát huy. Còn nếu không đạt hiệu quả, gây ách tắc thì cần phải xem xét lại, thậm chí bỏ đi.
Ngoài ra, với việc một số quận đang thực hiện việc “tiết kiệm” biên chế, tiết kiệm nhưng phải tính toán để hợp lý hơn trong từng khâu, chứ “tiết kiệm” biên chế trong khi không đủ người thực hiện thì có khi đó lại là sự lãng phí.
Ông Quách Hồng Tuyến khẳng định rằng: Ngoài những yếu tố khách quan, việc chậm trễ trong CPXD tại các quận - huyện do con người là chính. Trong lĩnh vực này, cán bộ thụ lý phải có chuyên môn và kinh nghiệm thì thụ lý hồ sơ sẽ tốt hơn.
Đối với việc tư vấn thiết kế thực hiện quy hoạch tại một số quận - huyện chậm, UBND các quận cần xử lý và công bố công khai trên website của Sở Xây dựng và quận, đồng thời áp dụng hình thức cấm không cho đơn vị đó hoạt động trên địa bàn đó nữa.