Chặn "chiêu" lách luật biến xe mới thành cũ

Chặn "chiêu" lách luật biến xe mới thành cũ

Sau khi hồi âm cho 6 nhà phân phối chính hãng xe sang thực hiện thủ tục nhập khẩu đúng quy định, Bộ Công Thương tiếp tục "nhắc" hải quan lưu ý khả năng các chủ nhập khẩu "biến" xe mới thành xe cũ để "né" Thông tư 20.

Với công văn chỉ đạo này, Bộ Công Thương thể hiện quyết tâm thực hiện nghiêm, triệt để đến cùng các quy định thủ tục mới về nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ ngồi chưa qua sử dụng. Theo chính sách hiện hành, cửa về Việt Nam của ôtô nguyên chiếc mới đang ngày càng khép chặt..

Không chỉ bị quản lý theo chế độ giấy phép nhập khẩu tự động, kể từ ngày 26/6/2011 trở đi, mặt hàng này bắt buộc có thêm các loại giấy tờ nhằm chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng như giấy chỉ định, ủy quyền của nhà sản xuất chính hãng, hoặc giấy ủy quyền của nhà phân phối chính hãng ở nước ngoài có phạm vị phân phối đến thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, xe ôtô cũ được hưởng chế độ thông thoáng hơn, không chịu bất cứ quy định nào về hạn ngạch nhập khẩu. Tác động chính sách bất lợi duy nhất là thuế nhập khẩu của loại xe này (dung tích trên 2 lít) sẽ tăng mạnh từ ngày 15/8 tới đây và nhiều khả năng, giá xe cũ sẽ bị đẩy lên còn cao hơn cả xe mới.

Điểm phân biệt giữa xe cũ với xe mới được quy định khá đơn giản, là xe được đăng ký tối thiểu thời gian 6 tháng và đã chạy được tối thiểu 10.000 km tính tới thời điểm về cảng Việt Nam.

Bộ Công Thương lo ngại "có khả năng một số tổ chức, cá nhân thực chất nhập khẩu ôtô mới dưới 9 chỗ ngồi nhưng gian lận cây số và khai báo là xe đã qua sử dụng để được thông quan".

Trên thực tế, một số loại xe sang chưa được sản xuất và chưa có phân phối chính hãng ở Việt Nam, với mức giá trên 3 tỷ đồng chủ yếu nhập về Việt Nam đều theo con đường xe cũ.

Do vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổng cục Hải quan đặc biệt lưu ý các căn cứ xác định xe ôtô đã qua sử dụng.

Ngoài ra, đối với các trường hợp có giấy phép nhập khẩu tự động do Bộ Công Thương được cấp còn hiệu lực sau ngày 26/6/2011, tức ngày Thông tư 20 bắt đầu áp dụng, xác định vẫn có giá trị thực hiện. Song, các thương nhân muốn thông quan được xe vẫn phải nộp đầy đủ giấy tờ theo quy định của Thông tư này. Riêng giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, được lùi đến ngày 24/7 mới áp dụng theo hướng dẫn của Bộ GTVT.

Không chỉ các nhà nhập khẩu thông thường kêu khó với Thông tư 20, nửa đầu tháng 6, 6 nhà nhập khẩu chính hãng các thương hiệu xe sang cũng đồng loạt gửi văn bản tới Bộ Công Thương hỏi thêm về các loại giấy tờ thủ tục, đặc biệt là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe.

Đó là các công ty CP Liên Á quốc tế, nhà nhập khẩu chính hãng xe Audi, Công ty CP Ôtô Âu Châu phân phối xe BMW, Công ty CP ôtô Đông Dương, đơn vị phân phối các mẫu xe Chrysler, Dodge, Jeep của Chrysler - Mỹ, công ty TNHH xe hơi thể thao uy tín phân phối chính hãng cho xe Porsche của Đức, công ty TNHH Auto Motors Việt Nam phân phối chính hãng xe Renault của Pháp và Công ty TNHH Hình tượng ôtô Việt Nam, nhà phân phối độc quyền thương hiệu xe Subaru của Nhật Bản.

Trước khi gửi văn bản lưu ý Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đã có công văn hồi âm tới 6 nhà nhập khẩu xe sang này đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các hướng dẫn trên của Bộ.