FDI 2009: Có thể “dựa” vào bất động sản
Bên cạnh những nhận định cho rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ suy giảm, có những quan điểm ngược lại, khi cho rằng FDI vẫn có những nhân tố có lợi để tiếp tục duy trì trong năm 2009.
Cùng quan điểm này, PGS. TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cho rằng có những ngành, lĩnh vực Việt Nam có thể tiếp tục thu hút nhiều vốn FDI trong năm tới.
Ông nói:
- Tôi không nghĩ đầu tư nước ngoài năm tới đặc biệt khó khăn.
Theo tôi, chỉ có những dự án mà có công ty mẹ ở nước ngoài gặp khó khăn thì có thể bị đình trệ, nhưng không phải là tất cả. Những dự án mà công ty mẹ của họ phá sản thì dự án ấy có thể hỏng, chứ công ty mẹ họ có khó khăn thì đầu tư vào Việt Nam cũng có thể là một lối thoát.
Ví dụ những ngành công nghiệp như sắt thép chẳng hạn, ở nước họ thì chi phí tiền công lao động rồi xuất khẩu khó khăn. Trung Quốc đã đóng cửa nhiều doanh nghiệp ở vùng ven biển, một phần cũng do thị trường co hẹp, nhưng cái chính là chi phí lao động cao và những chính sách chống gây ô nhiễm môi trường… làm tăng chi phí sản xuất lên.
Nhưng sang Việt Nam thì tiền lương rồi chi phí nhiều thứ thấp hơn, cho nên họ có thể hạ giá thành và nâng khả năng cạnh tranh ở những thị trường bên ngoài. Những dạng đầu tư như thế thì không giảm nhiều.
Kế hoạch FDI 2009 là khả thi
* Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra dự báo thu hút vốn FDI năm 2009 khoảng 30 tỷ USD và giải ngân khoảng 12-13 tỷ USD. Những con số này có thể trở thành hiện thực trong năm tới?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể tính toán dựa trên dự báo kinh tế thế giới có suy giảm trong năm tới. Nhưng tôi thì cho rằng trường hợp của Việt Nam, các con số có thể không giảm đến mức ấy, cả vốn cam kết và vốn giải ngân thực tế.
Chính đây là lúc ở tất cả các nước phát triển đều không có nơi đầu tư có lợi, họ không có đủ niềm tin để đầu tư. Họ có thể tìm đến các nơi có niềm tin để đầu tư.
Việt Nam không phải là duy nhất nhưng nếu tính trên nhiều phương diện thì Việt Nam lại là nơi để người ta đặt niềm tin.
Việt Nam cũng chịu tác động mạnh từ khủng hoảng nhưng nếu nhìn vào các ngành có đầu tư dài hạn thì tôi tin là người ta vấn tiếp tục đưa vốn vào Việt Nam. Tôi đặc biệt lưu ý là bất động sản. Trong năm qua thì các dự án bất động sản đưa vào Việt Nam đã vượt quá nửa số vốn đăng ký.
Còn trong năm 2009, nhiều dự án đang còn bàn thảo, chưa ký. Tôi biết là đặt trên bàn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhiều mà toàn là dự án lớn cả. Nếu các dự án đó được ký thì tôi chắc là con số 30 tỷ USD cũng là nhỏ thôi.
* Đấy là chuyện vốn đăng ký. Còn vốn giải ngân thì liệu bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Cam kết vốn năm nay là trên 60 tỷ USD thì giải ngân như hiện nay khoảng 11-12 tỷ thì chỉ bằng 1/6 thôi. Như thế là rất thấp, thông thường giải ngân khoảng 30%.
Giải ngân liên quan nhiều đến các dự án đã ký kết. Chỉ với vốn cam kết 60 tỷ của năm nay thì theo tôi cam kết các dự án đó sẽ cho phép đạt được con số như thế. Mức giải ngân cao là 50%, bình thường là 30%, nếu tính tỷ lệ 20% thôi cũng đã là 12 tỷ rồi, nếu 30% thì phải là 18 tỷ.
Tôi cũng nhất trí là FDI có bị ảnh hưởng nhưng con số 12-13 tỷ USD vốn giải ngân năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là có thể đạt được, thậm chí tôi cho là có thể vượt.
Bởi vì những dự án của Việt Nam là dự án có khả năng huy động vốn. Nếu là dự án vào dệt may, giày dép, ô tô, xe máy… thì khó có khả năng huy động vì khả năng mở rộng sản xuất thấp.
Nhưng nếu vào bất động sản hay sắt thép chẳng hạn là những dự án dài hạn, những dự án họ phải chuyển khỏi nước họ, thì do vậy khả năng tiếp tục chuyển đầu tư vào Việt Nam là có. Mà những dự án này chiếm tỷ lệ vốn rất lớn trong tổng vốn đăng ký.
Bất động sản có thể là giải pháp
* Tình hình FDI vào bất động sản có thể như thế nào trong năm tới, thưa ông?
Trong cơ cấu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì đầu tư vào bất động sản chiếm tỷ lệ khá lớn. Và các dự án bất động sản mà triển khai bây giờ thì rất có lợi vì giá sắt thép, các nguyên vật liệu rẻ.
Thêm nữa là giá vốn hiện nay rất rẻ. Mỹ thì chỉ khoảng 1% và có thể chỉ còn 0,5%. Nhật Bản thì có thể "zero" và tất cả các nước châu Âu đều hạ lãi suất cả.
Tại các nước này, dù lãi suất thấp nhưng họ không có đủ niềm tin cho vay lẫn nhau. Nếu chúng ta có những dự án tốt thì có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ này và tiếp tục triển khai các dự án đầu tư.
Mà những dự án bất động sản thì phải 5 năm chứ không phải vài năm tới đây. Nếu không tính nhu cầu trong một vài năm mà trong dài hạn hơn, khi tình hình kinh tế đã thay đổi thì tôi cho rằng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vào bất động sản vẫn sẽ tiếp tục, chứ không phải là không tiếp tục.
* Sự cẩn trọng của những tổ chức cho vay vốn cũng phải ảnh hưởng một mức độ nào đó đến đầu tư nước ngoài chứ?
Những dự án bất động sản của Việt Nam là dự án rất có triển vọng bởi vì vị trí địa kinh tế của Việt Nam rất có lợi cho việc phát triển các dự án loại này.
Còn những ngành kinh tế truyền thống như dệt may, luyện kim, hóa dầu… nhu cầu nội địa của Việt Nam không lớn lắm, nhưng nếu đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi nơi khác cũng rất thuận tiện. Vì Việt Nam gần đường hàng hải quốc tế, trung tâm của Đông Á…
Một số ngành như kuyện kim chẳng hạn nếu sản xuất tại Hàn Quôc hay Nhật Bản hiện nay đều không còn lợi thế nhưng nếu triển khai tại Việt Nam thì vẫn có thể cạnh tranh được.
Cần làm nổi bật những lợi thế
* Nhưng khả năng hấp thụ vốn của ta khó kham được lượng vốn lớn như thế?
Cơ sở hạ tầng thì quan trọng nhất là điện. Nhưng những dự án lớn gần đây như luyện kim chẳng hạn, họ làm luôn nhà máy điện chứ không nhờ đến ta.
Về vận tải, đi lại thì phần lớn dự án hiện nay đều ở liền cảng hoặc gần khu vực biển có thể mở cảng, không liên quan đến đường bộ nhiều. Những dự án nằm sâu trong nội địa mà vốn đầu tư lớn rất ít. Cho nên những dự án lớn vào Việt Nam ít bị ảnh hưởng do hạ tầng giao thông kém của ta.
Bản thân các nhà đầu tư đã lựa chọn những địa điểm đầu tư ít cần đến cơ sở hạ tầng của Việt Nam vì họ biết cơ sở hạ tầng ta kém. Khi đầu tư họ đã tính đến điều đó rồi.
Về nhân lực thì các dự án như về luyện kim, bất động sản… lao động cũng chỉ yêu cầu đào tạo vừa phải. Tôi cho rằng các nhà đầu tư đã tính đến những vấn đề của ta rồi, cho nên cũng không phải là điều đáng ngại.
* Vậy chúng ta có thể làm những điều gì để thu hút đầu tư nước ngoài?
“Ta” biết lợi thế của mình có khi lại không bằng “Tây”. Có những điểm chúng ta cho là lợi thế thì họ lại đánh giá không quá cao, nhưng cũng có những điểm ta coi là bình thường, thậm chí hạn chế thì họ lại đánh giá rất tiềm năng.
Ví dụ như khu ven biển miền Trung trước nay có nhiều ý kiến đánh giá không cao về lợi thế, nhưng bây giờ nhiều dự án lớn của nước ngoài đều nhắm vào khu vực này.
Người nước ngoài họ đến đây để kiếm tiền, nên họ nhìn chỗ nào kiếm được là họ tìm hiểu rất kỹ, ngành gì, nghề gì kiếm ra tiền thì tự họ khám phá ra.
Như thế thì địa điểm, lợi thế nhà kinh doanh họ am hiểu hơn chúng ta. Việt Nam có lợi thế gì thì xác định của chính nhà đầu tư mới là quan trọng.
* Nhưng chúng ta cũng phải chủ động phần nào để làm cho môi trường đầu tư tốt hơn chứ?
Những vấn đề về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… thì chúng ta phải chuẩn bị, phải làm tốt hơn. Nhưng tôi cho điểm quan trọng hơn là vấn đề thể chế. Bởi vì thể chế quy định có thể làm ăn có lợi hay không.
Nếu nhân lực, cơ sở hạ tầng… tốt mà thể chế không tốt, tôi không làm ăn được, không sống được thì tôi cũng rút lui.
Thể chế ấy ta có định ra chắc gì họ đã thích? Một trong những điểm yếu của ta hiện nay là những khu kinh tế ta lập ra cho người nước ngoài sống và làm việc thì lại áp dụng thể chế của Việt Nam, thể chế nội địa, không phù hợp cả về kinh doanh cũng như môi trường sống.
Chúng ta có ưu đãi về thuế quan, thuê đất… cũng có giá trị, nhưng như thế là chưa đủ. Nó phải là một thể chế quốc tế. Những ưu đãi hiện nay chỉ thu hút được số công ty nước ngoài đến có mức độ.
Có ảnh hưởng cũng chỉ trong ngắn hạn
* Lạm phát vẫn ở mức cao, tăng lương vào đầu năm tới… sẽ đẩy chi phí đầu vào tăng lên. Điều này có ảnh hưởng đến FDI?
Lạm phát đã giảm hai tháng nên chắc rằng sẽ không tăng cao quá trong năm tới. Nhưng với những dự án dài hạn, trong vài chục năm thì lạm phát trong một hai năm cũng có ảnh hưởng đến dự án nhưng không có gì là đáng sợ.
Việt Nam không thể không tăng lương, nhưng với mức tăng với tốc độ như thế này thì trong 10 năm tới cũng vẫn có lợi thế so với các nước trong khu vực. Dù anh có tăng thì thiên hạ họ cũng tăng chứ không phải họ đứng im.
* Những ngành nào có thể bị thu hẹp sản xuất?
Những ngành hướng về xuất khẩu mà nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm mạnh thì phải co lại. Hiện nay thì một số đồ điện đắt tiền, dùng dài ngày như tủ lạnh, điều hòa… sẽ giảm. Ôtô cũng là ngành công nghiệp đang bị động chạm vì khủng hoảng thì tiêu dùng phải tiết chế.
Nhưng tôi tin rằng mọi ảnh hưởng chỉ trong ngắn hạn.