Cỏ hút ô nhiễm

Nghiên cứu của TS Trần Tân Văn cho thấy cỏ vetiver có nhu cầu hút nước cực lớn và hấp thụ được cả các hợp chất, hóa chất có hại, đặc biệt là kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật. Nó còn hút phân bón dư thừa vào bộ rễ, sau đó phân hủy, phân rã chúng hoặc chí ít cỏ vetiver cũng đóng vai trò tích tụ các chất độc hại lại một chỗ để những xử lý tiếp theo trở nên đơn giản hơn.

 

TS Trần Tân Văn cho biết qua các cuộc thử nghiệm ở hồ nước thải Nhà máy phân đạm Hà Bắc, cơ sở sản xuất giấy ở Bắc Ninh... và thử nghiệm của đồng nghiệp tại kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM) đã cho kết quả rất tốt trong việc hạn chế ô nhiễm lan rộng, tiến tới giảm nhẹ mức độ ô nhiễm môi trường.

Ông Văn cho hay gần đây Bộ Khoa học - công nghệ đã cấp kinh phí cho Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học - công nghệ VN) thử nghiệm sử dụng thực vật, trong đó có cỏ vetiver, xử lý ô nhiễm tại các bãi thải khai thác khoáng sản. Tập đoàn Than và khoáng sản VN đã sử dụng loại cỏ này trong xử lý ô nhiễm các bãi thải khai thác than ở Quảng Ninh... bước đầu cho kết quả rất tốt khi một lượng chì lớn đã được hấp thụ.

Nghiên cứu tại các khu vực bãi thải khai thác than, bãi thải làng nghề cho thấy khi cỏ vetiver được trồng thành nhiều hàng khép kín quanh khu vực bãi thải chỉ sau ba tháng, những hàng cỏ này tạo thành một bức tường sinh học cả trên mặt đất lẫn dưới lòng đất. Trên mặt đất, thân cỏ ken dày vào nhau để giảm nhẹ nước mặt chảy tràn, giữ lại bùn cát và qua đó hạn chế các chất độc hại từ bãi thải phát tán rộng ra ngoài. Dưới lòng đất, bộ rễ cỏ dài tới 3m cũng ken lại tạo nên một bức tường chặn đứng các chất ô nhiễm lan truyền bừa bãi, đồng thời hút trực tiếp các chất ô nhiễm, kể cả hóa chất độc hại và từng bước làm phân tán, tan rã chúng.

Cũng theo TS Trần Tân Văn, nếu trồng đúng kỹ thuật, loại cỏ này hoàn toàn có thể ứng dụng vào mục đích xử lý nước thải ô nhiễm tại các lưu vực sông ô nhiễm như sông Nhuệ - Đáy, Đồng Nai - Thị Vải với chi phí ít tốn kém. Đặc biệt kỹ thuật trồng rất đơn giản, bất kỳ ai, ngay cả người dân, cũng có thể tự trồng được. Thứ nhất, có thể trồng cỏ men theo các bờ kênh, bờ mương và lấy nước thải tại đó tưới ngập chân các khu trồng cỏ để cây cỏ hấp thụ, từ đó lọc nước trở lại. Loại cỏ này nếu bị ngập trong nước thải hằng tháng vẫn không chết. Thứ hai, có thể trồng thủy canh - trồng thành bè nổi để lọc các chất ô nhiễm trên sông.